Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta chuẩn bị bước vào giai đoạn khởi đầu cho Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, Kế hoạch 5 năm với những mục tiêu phát triển đã được bàn bạc kỹ lưỡng, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới, đưa đất nước thực hiện các mục tiêu phát triển thịnh vượng gắn với các dấu mốc lịch sử trọng đại của dân tộc.
Với trách nhiệm được giao là cơ quan thường trực của Tổ biên tập thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và ngoài nước tham mưu, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ 4 giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 giai đoạn 2021-2025.
Các văn kiện này đã thực sự trở thành kim chỉ nam, phương hướng, đường lối phát triển của đất nước trong chặng đường mới.
Các mục tiêu phát triển của Việt Nam đặt ra trong các văn kiện Đại hội Đảng rất cao. Ảnh minh họa Hồng Nhì |
Đặc biệt, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã định hướng đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Chiến lược lần thứ 4 đã xác định tầm nhìn dài hạn đến đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chúng ta thấy được những mục tiêu đặt ra cho 5 năm, 10 năm, 25 năm tới là hết sức lớn và khó khăn.
Chia sẻ về những giải pháp quan trọng nhất, những lĩnh vực cốt yếu nhất là gì để thực hiện các mục tiêu rất lớn đó, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, "có hàng loạt các quan điểm phát triển giúp thực hiện các mục tiêu đó".
Ông Dũng nhấn mạnh: chúng ta phải phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy, tầm nhìn và hành động, phải chuẩn bị tâm thế thật tốt để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo.
Cả Nhà nước và người dân phải chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.
Cần phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế để xã hội hài hòa, bao dung.
Chúng ta cần phát triển nhanh, hài hoà các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân.
Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hoá thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.
Hà Dũng (lược trích)