Luôn coi trọng công tác gia đình, UBND Thành phố Hà Nội đã đưa công tác xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới là nội dung quan trọng trong thực hiện các chương trình công tác toàn khóa, đặc biệt là Chương trình 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương tiên phong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Dù là siêu đô thị nhưng thành phố vẫn giữ được mô hình gia đình truyền thống. Tại những gia đình trẻ, gia đình hạt nhân, vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc rất rõ nét.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác gia đình, hàng vạn gia đình ở Hà Nội được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", thành phố cũng có nhiều gia đình văn hóa cấp quốc gia.

Năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành thực hiện thí điểm bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Sau thời gian thí điểm và nhân rộng từ năm 2022, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được các cấp, ngành triển khai thực hiện gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Đăng ký, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa tại cơ sở, phù hợp với đời sống văn minh đô thị.

W-giadinh-thachthao-4.png
Hòa thuận, chia sẻ là tiêu chí trong ứng xử giữa anh, chị, em trong gia đình.

Kết quả, năm 2022, 88% (hơn 2 triệu hộ gia đình) ở Hà Nội đạt danh hiệu gia đình văn hóa (tăng 0,5% so với năm 2019); có 63% làng văn hóa (tăng 2% so với năm 2019); 72,5% tổ dân phố văn hóa (tăng 1% so với năm 2019).

Trong số những điển hình về phát huy các giá trị đạo đức, lối sống để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có gia đình ông Nguyễn Trà (ở phường Phương Liên, quận Đống Đa), tấm gương tiêu biểu hiện nay của dòng họ hiếu học danh tiếng đã có bề dày 600 năm sống tại kinh thành Thăng Long. Ông Nguyễn Trà là anh cả trong gia đình 10 anh, chị, em và cũng là “đầu tàu” gương mẫu về tinh thần hiếu học cho các em, các con, cháu, chắt noi theo. Trên 90 tuổi nhưng ông Nguyễn Trà vẫn miệt mài với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài cho thế hệ tương lai.

Tại tổ dân phố số 13, phường Bồ Đề, quận Long Biên, gia đình ông Nguyễn Văn Đức "nổi tiếng" bởi nề nếp gia phong. Gia đình ông với 12 người, 3 thế hệ, trong đó có 8 người trong một mái nhà tại phường Bồ Đề chung sống hạnh phúc nhiều năm qua nhờ phương châm "người lớn phải gương mẫu".

Ông chia sẻ, sự yêu thương, tôn trọng,, bình đẳng, đoàn kết trong đình là vô cùng cùng cần thiết. Giáo dục, nhắc nhở các thành viên, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị của gia đình, về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của gia đình ông Đức bắt đầu là những câu chuyện nhỏ với con trẻ rất nhẹ nhàng, tiếp đến là những bữa cơm, khi có cả người lớn tề tựu, các hoạt động tập trung dịp lễ, Tết, kỷ niệm, sinh nhật... Cứ thế, giáo dục về giá trị gia đình, cách ứng xử văn minh, tiến bộ giữa các thành viên được thấm đẫm "mưa dầm thấm lâu".

"Có khi xem tivi, đọc báo thấy những sự việc có liên quan đến nội dung này, gia đình tôi cũng sôi nổi bàn luận, đưa ra quan điểm, cái nhìn nhất định, từ đó rút kinh nghiệm, nhắc nhở con cháu cùng thực hiện, để từng bước điều chỉnh thái độ, cách ứng xử hài hòa và đúng mực hơn. Nếu chưa phù hợp, chúng tôi nhắc nhở, chấn chỉnh ngay, khi phù hợp chúng tôi động viên, khen ngợi”, ông Đức chia sẻ.

Trong hoạt động giáo dục, cô giáo Ngô Minh Hường, Tổng phụ trách Đội - Liên đội trường tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình, cũng có nhiều sáng kiến trong việc giáo dục ứng xử, lối sống phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, đặc biệt từ lứa tuổi thiếu nhi.

Cô Hường đã áp dụng một số biện pháp hiệu quả như lồng ghép tiêu chí văn hóa ứng xử trong gia đình vào chương trình giảng dạy. Tham dự các giờ sinh hoạt dưới cờ vào sáng thứ hai đầu tuần theo chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, thiếu nhi đều được giáo dục lối sống yêu thương, trách nhiệm.

Bên cạnh đó, cô Hường còn tổ chức buổi giao lưu, thảo luận và nhóm tranh luận. Sử dụng mô phỏng hoặc trò chơi đóng vai để giúp thiếu nhi hiểu rõ hơn về các tình huống giao tiếp và ứng xử trong gia đình...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm 5 nhóm tiêu chí:

1. Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ

2. Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình

3. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương

4. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép

5. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ

Kim Duyên và nhóm PV, BTV