Nếu không có sự cải cách hành chính quyết liệt, thu hẹp bộ máy quản lý các cấp và chi tiêu cho các ban ngành, đoàn thể cả ở địa phương lẫn trung ương, tình trạng ngân sách sẽ tiếp tục bị xói mòn và nợ công sẽ gia tăng ngày càng nhanh.

Ngày 30/10, Quốc hội  họp phiên toàn thể để thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Bài viết này mong muốn đưa ra một cái nhìn khách quan về nền kinh tế Việt Nam, vì việc đánh giá thực tiễn có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, các nhà đầu tư và cả kinh nghiệm cho các nhà điều hành chính sách.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, khóa XIII, ngày 20/10/2014, trên nhiều diễn đàn đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi về thực trạng kinh tế Việt Nam và triển vọng cùng những nguy cơ trong trung hạn.

Có thể nói, vấn đề kinh tế căn bản của Việt Nam trong những năm gần đây xoay quanh hai vấn đề chính: duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiến tạo đà tăng trưởng kinh tế trong trung hạn.

Trong nhiều năm, cho tới tận trước 2011, mục tiêu tăng trưởng luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, dưới sự hậu thuẫn của các cấp lãnh đạo (Đảng, Quốc hội). Tuy nhiên, do cấu trúc của nền kinh tế dựa nhiều vào khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công, mục tiêu này đã không thể đạt được, trái lại, hậu quả chỉ là bất ổn vĩ mô ngày càng lớn đi liền với suy giảm tăng trưởng.

{keywords}

Khu vực sản xuất chính là nhân tố duy trì sức tăng trưởng của Việt Nam hiện nay. Ảnh: Minh Khuê

Từ năm 2011, mục tiêu điều hành được xoay hướng sang ưu tiên ổn định vĩ mô ngày càng rõ ràng. Trong ngắn hạn, ổn định vĩ mô, với công cụ là thu hẹp đầu tư công, cải cách khu vực DNNN, và thận trọng trong cung ứng tiền tệ, thường đi liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Cụ thể, lạm phát đã liên tục giảm từ mức cao của năm 2011 xuống 6,8% vào năm 2012 và 6% năm 2013 và dự kiến năm nay, 2014, sẽ thấp hơn 5%. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế trong những năm này đều chỉ đạt khoảng 5%.

Nhận định chung cho thấy có thể đánh đổi một giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm lại để tái lập ổn định vĩ mô, đồng thời thực hiện cải cách cơ cấu để lấy lại đà tăng trưởng. Hai quá trình này cần thực hiện song song, để mục tiêu đạt được trong giai đoạn sau là có sự tăng trưởng cao hơn, tốc độ tăng trưởng được duy trì bền vững hơn, trong khi kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì liên tục. Vì vậy, việc đánh giá thành quả của việc bình ổn vĩ mô, chính là hiệu quả của việc cải cách cơ cấu nền kinh tế trong thời gian đó.

Để đánh giá kết quả của quá trình ổn định vĩ mô cho tới lúc này, chúng ta cần xem xét mức độ ổn định ở mức thấp của lạm phát, khả năng phục hồi sản xuất, độ bền vững của cán cân ngân sách và cán cân thanh toán quốc tế, cũng như khả năng cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Về lạm phát

Trong hầu hết cả năm 2014, tốc độ cải thiện nhẹ trong tiêu dùng và đầu tư không tác động đáng kể lên giá cả.Thực tế thì lạm phát vẫn tiếp tục hạ so với năm 2013 và hiện tại là mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (tính theo năm) đã trượt xuống dưới 4% và đang hướng về ngưỡng 3%. Lạm phát đi xuống hàm ý rằng người tiêu dùng đang sống trong thời kỳ giá cả ổn định nhất trong nhiều năm, nhưng đồng thời cũng cho thấy sức mua chưa hồi phục, cũng như tổng cầu vẫn đang mở rộng một cách rất khó khăn.

Lạm phát lõi đã liên tục giữ vững khuynh hướng giảm suốt từ đầu năm 2013. Trong khi đó, do tình hình thế giới, giá lương thực và xăng dầu (lạm phát ngoài lõi) bắt đầu có dấu hiệu giảm từ đầu quý 3/2014, khiến cho lạm phát chung càng giảm sâu (trước đó, lạm phát ngoài lõi có khuynh hướng tăng).

Trong năm 2014, lạm phát giảm vững chắc đã tạo một không gian đủ rộng để Chính phủ điều chỉnh tăng giá các dịch vụ công thiết yếu (chủ yếu là y tế) mà không làm tăng lạm phát (Hình 1). Rõ ràng, lạm phát không còn là vấn đề đáng quan ngại trong mấy quý sắp tới, và lạm phát cả năm 2014 sẽ dừng ở mức thấp hơn 2013. Lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm trên thị trường liên ngân hàng cũng gợi ý là đa số giới tài chính đang kỳ vọng mức lạm phát thời gian tới chỉ xoay quanh mức 4%.

{keywords}

Việc lạm phát thấp trong những năm này và dự báo có thể vẫn tương đối ổn định trong năm sau, cho phép Chính phủ theo đuổi các chính sách tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn, đồng thời có thể cân nhắc các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Để đánh giá mức độ phục hồi kinh tế, chúng ta thử phân tích một số đặc điểm của sản xuất gần đây.

Về phát triển sản xuất

So với năm 2013, sản xuất công nghiệp gia tăng đáng kể trong năm 2014, nhưng tốc độ tiêu thụ dường như lại chậm hơn và tồn kho tăng. Điều này cho thấy một phần đáng kể sản lượng công nghiệp đang ở dạng tồn kho thành phẩm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) của ngành chế biến-chế tạo, trong quý 3/2014, tăng 8,3%, là mức tăng khá nhiều so với mức 6,7% của 3 quý/2013. Sản xuất và phân phối điện duy trì tốc độ mở rộng cao 2 chữ số. Tuy nhiên, tốc độ gia tăng tiêu thụ lại thấp hơn trung bình 2 điểm phần trăm, khiến chỉ số tồn kho kể từ đầu năm cao hơn từ 3-4 điểm phần trăm so với 2013 (Hình 2).

Một chỉ số quan trong khác là Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tục được mở rộng tháng thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 9 năm ngoái và đã không rơi vào vùng suy giảm theo mùa vụ trong tháng 7 và tháng 8. Vận động này xác nhận điều kiện sản xuất thuận lợi đang dần lấy lại quán tính, và sự phục hồi kinh tế bắt đầu thể hiện một nền tảng vững chắc hơn.Nhưng một thách thức mới cần lưu ý, đó là tăng trưởng chậm hơn tại châu Âu và Mỹ có thể ảnh hưởng tới đơn hàng xuất khẩu trong khi nhu cầu nội địa chưa phục hồi đủ mạnh.

Hoạt động xây dựng gia tăng trong quý 3 (9 tháng tăng 6,3% so với cùng kỳ) nhờ đẩy nhanh tiến độ các công trình lớn sử dụng vốn vay như cao tốc Hà Nội-Lào Cai, nhà ga T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân, đồng thời hoạt động xây dựng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang ấm dần lên.

Như vậy, có thể nói, về mặt ngắn hạn, chúng ta đang đạt được đồng thời sự ổn định kinh tế vĩ mô và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nếu phải đưa ra một đánh giá, thì chúng tôi cho rằng diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2014 về căn bản có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2013.

Một số lưu ý trong trung hạn

Đánh giá thành tựu ngắn hạn cần đi liền với sự cân nhắc những tiềm năng trong trung hạn. Trên khía cạnh này, có thể xem xét nhanh ba khía cạnh: sự bền vững của ngân sách chính phủ, cán cân thanh toán quốc tế và sự cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ nhất, về thâm hụt ngân sách.

Nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đã nêu rõ tình trạng kém bền vững của ngân sách hiện nay. Sự lo ngại này hoàn toàn có cơ sở, đặc biệt với cơ cấu ngân sách ngày càng bị quá tải bởi chi tiêu thường xuyên. Điều này đánh một dấu hỏi lớn về hiệu quả hoạt động của chính phủ, đặc biệt ở các cấp chính quyền địa phương.

Nếu không có sự cải cách hành chính quyết liệt, thu hẹp bộ máy quản lý các cấp và chi tiêu cho các ban ngành, đoàn thể cả ở địa phương lẫn trung ương, tình trạng ngân sách sẽ tiếp tục bị xói mòn và nợ công sẽ gia tăng ngày càng nhanh.

Cũng phải thừa nhận rằng giai đoạn kinh tế chưa phục hồi như hiện nay là bất lợi lớn cho nguồn thu ngân sách, và khi kinh tế lấy lại đà phục hồi, nguồn thu sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn, giúp giảm mức bội chi. Tuy nhiên, điều này khẳng định một lần nữa, giai đoạn bình ổn kinh tế vĩ mô hiện nay cần tranh thủ gấp rút đi liền với cải cách cơ cấu nền kinh tế.

Thứ hai, về cán cân thanh toán quốc tế.

Tuy chưa có dữ liệu tổng kết cụ thể về cán cân thanh toán đến hết quý 2/2014, song nhìn vào lượng dự trữ ngoại hối giữa tháng 6/2014 so với tháng 12/2013, có thể thấy cán cân tổng thể đã thặng dư gần 10 tỷ USD. Có thể khẳng định một thực tế rằng Việt Nam đang có thặng dư tương đối lớn trên cả hai cán cân vãng lai và vốn dựa vào dữ kiện của quý 1. Thặng dư năm 2014 có thể vượt qua mức 11,86 tỷ USD của năm 2012 và dự trữ ngoại hối sẽ hướng tới mức40 tỷ USD vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Đây là mức chưa từng có trong lịch sử.

Thặng dư tài khoản vãng lai bộc lộ nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu trong khi nhu cầu đầu tư trong nước còn thấp. Điều này cũng tương đuơng với thực trạng tổng đầu tư đang ở mức thấp so với tiết kiệm nội địa.Thực tế này nhất quán với nhu cầu cần đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, phục hồi niềm tin, để doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất nhanh hơn.

Thứ ba, về cải thiện môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ đầu năm, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt hơn trong việc cải cách hành chính và cổ phần hóa DNNN. Cụ thể như chỉ đạo của Thủ tướng về việc dựa trên tiêu chí cụ thể là giảm giờ thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế đối với doanh nghiệp. Gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam, do Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng, đã tăng được hai hạng từ 70 lên 68. Đây là mức cải thiện chưa nhiều, và thứ hạng của Việt Nam cũng còn ở rất thấp.

Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá chỉ số này được xây dựng trên dữ liệu kinh tế của năm 2013, nên mới chỉ phản ánh kết quả bình ổn kinh tế vĩ mô của năm 2013. Những cải cách hành chính và cải cách DNNN trong năm 2014 chưa đuợc phản ánh vào chỉ số năm nay. Do đó, nhiều khả năng trong năm sau, Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng hạng trong bảng năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tóm lại, nửa cốc nước là đầy hay vơi?

Với những phân tích như trên, chúng tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục một cách thành tâm và liên tục. Nỗ lực này đang được khuyến khích thông qua các dấu hiệu phục hồi ngày càng rõ ràng. Chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô, tạm thời chịu đựng hy sinh tăng trưởng, đã đi đúng hướng và đang đạt những thành quả đáng khích lệ. Nếu phải sử dụng hình ảnh một nửa cốc nước để đánh giá, chúng tôi nhận định nền kinh tế đang ở thế của nửa cốc nước dần đầy lên chứ không phải vơi đi.

Tuy nhiên, thành quả này sẽ mờ nhạt nhanh chóng nếu Chính phủ không kịp tận dụng cơ hội để cải cách cơ cấu nền kinh tế một cách thực sự.

Còn nhiều vấn đề chính sách phải tranh luận, nhưng trọng tâm chính trong thời gian tới là tái lập sự bền vững của ngân sách. Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua một ý thức rõ ràng về cải cách hành chính, cải tạo bộ máy chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. Chính quyền ở đây nên được hiểu theo nghĩa rộng nhất, bao gồm cả các tổ chức đảng, đoàn thể các cấp, hiện đang tồn tại và phát triển song song với chính quyền. Nếu không nâng hiệu quả và tinh gọn được bộ máy, thâm hụt ngân sách và tích lũy nợ công sẽ là một rào cản tăng trưởng chủ yếu trong tương lai.

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo TBKTSG

Đánh giá của quốc tế gần đây về tình hình kinh tế Việt Nam

Moody’s nâng xếp hạng trái phiếu Việt Nam lên 1 hạng từ B2 lên B1 với lý do ổn định vĩ mô, củng cố cán cân thanh toán, và rủi ro thấp hơn của khu vực ngân hàng.

IMF: Việt Nam đạt được tiến bộ đáng kể về ổn định vĩ mô, cải cách ngân hàng và DNNN, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở dưới tiềm năng, các rủi ro vẫn hiện diện.

EIU: Tăng trưởng kinh tế sẽ có thêm quán tính, tiếp tục hưởng lợi từ việc di dời của các ngành sản xuất chi phí thấp từ Trung Quốc cũng như nhu cầu cải thiện từ châu Âu và Mỹ.

HSBC: diễn biến hiện tại “tốt đến khó tin”. Ổn định trong ngắn hạn nhưng về dài hạn phải cải tổ thị trường lao động, tài chính, cơ sở hạ tầng và công nghiệp hỗ trợ để duy trì tăng trưởng bền vững