Hiện nay, kinh tế biển không chỉ đơn thuần là đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển mà đã mở rộng sang lĩnh vực khai thác tài nguyên biển, năng lượng biển, bảo vệ và cân bằng môi trường sinh thái biển, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính. Do đó, cần sớm nghiên cứu, phát hiện các lợi thế so sánh, phát huy thế mạnh của đất nước trong phát triển kinh tế biển.

{keywords}
Kinh tế biển không chỉ đơn thuần là đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển mà cần mở rộng sang lĩnh vực khai thác tài nguyên biển, năng lượng biển. 

Ngày 22/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển. Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục...

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Nghị quyết đề ra một số chủ trương lớn, bao gồm phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Đồng thời, sẽ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại, ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển; không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, để đạt được mục tiêu trên, nước ta sẽ hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như: Du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản. Chúng ta sẽ chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu sản xuất từ nghề cá gần bờ, ven đảo sang nghề cá xa bờ, gắn với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi. Tăng cường năng lực khai thác xa bờ cho các đảo có điều kiện thuận lợi, đồng thời, khai thác tối đa các điều kiện tự nhiên thuận lợi vào nuôi trồng hải sản.

Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng, bến cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu, thuyền và hạ tầng nuôi trồng hải sản cũng sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Phát triển du lịch cũng được coi là hướng trọng điểm, mang tính đột phá trong phát triển kinh tế đảo trong những năm tới. Một số khu du lịch sinh thái biển, đảo lớn, chất lượng cao tầm cỡ khu vực và thế giới sẽ được hình thành, tạo bước đột phá cho du lịch biển, đảo nói riêng và du lịch cả nước nói chung.

Những năm vừa qua, Nhà nước luôn ưu tiên đầu tư cho biển, đảo trong tổng chi ngân sách Nhà nước, thể hiện sự cố gắng lớn của Nhà nước. Nhờ sự đầu tư tập trung của Nhà nước nên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế biển, đảo. Các công trình được đầu tư đã và đang phát huy tốt hiệu quả. Tới đây, cần đẩy nhanh việc tổ chức đời sống, sản xuất của người dân trên các đảo đóng vai trò quan trọng nhất trong phát triển kinh tế biển, đảo. Các công trình phục vụ hoạt động kinh tế như: Cầu tàu, âu tàu, kho xăng dầu, cơ sở sửa chữa tàu, thuyền, tồn trữ và cung cấp nước ngọt, kho lạnh, cấp đông bảo quản hải sản, cung ứng nước đá, cung ứng vật tư nghề cá, trạm y tế,... cần được tiếp tục đầu tư. Các chương trình đầu tư cho biển, đảo cần được tiếp tục đẩy mạnh bằng các nguồn vốn ngân sách với yêu cầu từng bước hiện đại hóa, đưa tiến bộ khoa học, công nghệ mới nhất vào các công trình, dự án, bảo đảm các công trình bền vững, đạt hiệu suất, hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt việc tuyên truyền về biển, đảo, công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các quy định của quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Có thể mở các lớp huấn luyện, tuyên truyền giáo dục cho ngư dân hiểu và chấp hành các điều khoản của các hiệp ước, công ước đã ký giữa Việt Nam và các nước khác, tham gia phát hiện sự xâm phạm của tàu, thuyền nước ngoài. Nhân rộng các mô hình, kinh nghiệm hay trong tổ chức sản xuất trên biển. Các biện pháp hỗ trợ khai thác hải sản như: Cung ứng xăng, dầu trên biển, trang thiết bị thông tin hàng hải và khai thác hải sản lắp đặt trên tàu cá, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, cho vay vốn ưu đãi, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển, hỗ trợ nuôi trồng hải sản trên vùng biển, lồng nuôi, con giống hải sản, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ trên biển, các dịch vụ công ích trên biển,... cần sớm được nghiên cứu, tổ chức thực hiện.

Tiến sĩ Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận kinh tế biển, đảo một cách toàn diện, phát triển kinh tế biển, đảo theo hướng bền vững, bảo đảm quyền lợi lâu dài của đất nước theo hướng phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, đảo, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Hoài Thanh