‘Nông nghiệp thắng lợi tương đối toàn diện’
(Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh)
Ngay từ đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã vào cuộc hết sức quyết liệt. Các cấp chính quyền, sở ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm cao, cùng sự đồng lòng của doanh nghiệp, người dân, kết quả năm 2024 hết sức phấn khởi, đạt hầu hết các chỉ tiêu được giao. Trong đó, ngành nông nghiệp thắng lợi tương đối toàn diện, nhất là cây trồng vật nuôi được mùa được giá.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, OCOP chưa năm nào tốt như năm 2024. Trên địa bàn không còn xảy ra tình trạng được mùa mất giá bởi nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Các phiên bán hàng của nông nghiệp Quy Nhơn tổ chức phiên nào bán hết phiên đó.
Đặc biệt, sắp tới Bình Định sẽ có các doanh nghiệp chế biến, các cửa hàng, siêu thị đến đầu tư xây dựng. Do đó, các huyện phải làm trung gian, đầu mối, phối hợp với người nông dân để đảm bảo chất lượng; phối hợp với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Đây là những giải pháp căn cơ cho ngành nông nghiệp tỉnh phát triển.
Trong năm 2025, tỉnh sẽ chuyển đổi đất rừng sang trồng cây ăn quả, chủ yếu trên địa bàn huyện Hoài Ân với diện tích khoảng 600ha. Bên cạnh đó, phát triển trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh cũng giao thêm chỉ tiêu với mỗi địa phương phải xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn…
‘2024: Các chỉ số đạt được đều trên các lĩnh vực’
(Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định)
Năm 2024, Bình Định đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu. GRDP của tỉnh tăng trưởng mức khá, các chỉ số đạt được đều trên các lĩnh vực.
Về nông nghiệp được mùa, được giá. Năm 2024, ngành nông nghiệp của tỉnh đã bắt đầu hình thành chuỗi kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm đã có thị trường đầu ra, có sản phẩm xuất khẩu sang Canada. Hiện nay, các cơ sở, doanh nghiệp, các chuỗi liên kết đã vào cuộc. Các chuỗi bán lẻ lớn cũng đã vào Bình Định. Vấn đề quan trọng nhất là người nông dân phải đảm bảo chất lượng, ký kết trung thành.
Trong những năm qua, tỉnh đã cố gắng mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan nên 3 dự án gồm: Nutifood, San Hà và nhà máy thuỷ sản chưa kịp khởi công trong năm 2024.
Về lĩnh vực công nghiệp, năm 2024 tỉnh đã có các dự án đăng ký đầu tư. Tỉnh rất quyết tâm để các dự án thực thi, đi vào sản xuất. Sự quyết tâm thể hiện ở việc đền bù giải phóng mặt bằng. Nếu có sự quyết tâm cao hơn nữa, chắc chắn trong giai đoạn tới sẽ tạo sự đột phá, vươn mình của Bình Định. Các nhà máy đưa vào hoạt động kịp thời sẽ giúp chỉ số công nghiệp tăng trưởng.
Về thương mại dịch vụ, du lịch: Năm 2024, đánh dấu sự thay đổi rất lớn về hình ảnh, con người, văn hoá của Bình Định, lan toả ra cả thế giới.
Đặc biệt, năm 2024, thu ngân sách của tỉnh đạt mức cao với 15.600 tỷ. Riêng thu lõi (thu từ thuế, phí, không tính tiền sử dụng đất, thuê đất một lần) trên 7.400 tỷ, tăng so với năm 2020 trên 2.000 tỷ. Điều đó thể hiện sự bền vững, thu đều đặn ở các khu vực khác nhau; thể hiện "sức khoẻ" nền kinh tế của tỉnh tương đối ổn định, có tăng trưởng tốt. Tính cả giai đoạn 2021- 2024, thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng ổn định bền vững, có dư địa cho năm tiếp theo và cả giai đoạn tới.
Về an sinh xã hội, Bình Định chỉ còn 1,01% hộ nghèo. Năm 2025, tỉnh dự kiến chỉ còn 0,6% hộ nghèo, thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Năm 2025, tôi đề nghị các địa phương phải từng bước chủ động đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn của mình, phải vào cuộc trên tinh thần quyết tâm cao nhất, suy nghĩ lớn, dám làm, dám đột phá. Với quan điểm “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá” đổi mới lề lối làm việc, trên tinh thần vì sự phát triển của tỉnh, phù hợp với pháp luật thì quyết tâm thực hiện. Tôi rất mong cả hệ thống chính trị đồng tâm hợp lực triển khai thành công nhiệm vụ 2025, tạo sự đột phá.
‘Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh’
(Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh)
2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có nhiều sự kiện quan trọng; Đồng thời là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp; là năm tiền đề chuẩn bị đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20; đặc biệt là năm triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới theo Nghị quyết của Trung ương.
Do đó lãnh đạo tỉnh cần rà soát lại thực tiễn công tác chỉ đạo điều hành thời gian qua để rút ra những kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo; tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và các nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành. Cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thành toàn bộ kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình khó khăn và hỗ trợ cải thiện nhà ở cho đối tượng chính sách.
Phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí, thất thoát tài sản công.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế…
Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đảm bảo tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Trung ương.
Nguyễn Hiền - Diệu Thùy (ghi)