Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, kinh nghiệm hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã chủ động hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là cụ thể hóa các quy định, cơ chế, chính sách của trung ương để triển khai ở cơ sở, góp phần hoàn thành vượt tất cả các mục tiêu phấn đấu năm 2021 và năm 2022 được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

W-nongthonmoi.png

Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Kết quả sau 2 năm triển khai thực hiện, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa thể dục, thể thao ở cơ sở ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng; thu nhập của người dân được nâng lên; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định...

Đến tháng 4/2022, cả nước có 6.009/8.211 xã (73,2%) đạt chuẩn NTM (tăng 4,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2021); 258 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 45 đơn vị so với cuối năm 2021 (chiếm 40,1% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Trong triển khai  thực hiện Chương trình có một số khó khăn, vướng mắc. Đó là hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp trung ương ban hành còn chậm so với kế hoạch, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025. Một số văn bản sau khi ban hành đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời để phù hợp hơn với điều kiện thực tế và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong triển khai. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí NTM của một số bộ, ngành còn chưa cụ thể hoặc một số chỉ tiêu khó thực hiện ở một số địa bàn nên gây khó khăn, vướng mắc cho một số địa phương trong thực hiện.

Một số địa phương còn chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp; chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Một số địa phương chưa tích cực chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí NTM và chưa thực sự phát huy hết nội lực trong Nhân dân. Nhiều địa phương chưa nhìn nhận đúng mức, chưa hiểu rõ và chưa phát huy được nhiều giá trị, tiềm năng dư địa, vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như (Đồng bằng sông Hồng đạt 100%, Đông Nam Bộ đạt 92,6% trong khi đó Miền núi phía Bắc mới đạt 47,5%, Tây Nguyên mới đạt 57,8%); vẫn còn 04 tỉnh thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã NTM”, trong đó, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) bình quân mới đạt 6,9 tiêu chí/xã.

Anh Duy và nhóm PV, BTV