Đề án Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022, khẳng định việc chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ: Khu Công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, thành phố Hải Phòng

Đề án đề cao tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong việc thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trên tinh thần đó, hôm 26/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) tổ chức Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn - Xu thế khởi nghiệp và kinh doanh bền vững”, nhằm chia sẻ, thúc đẩy xu hướng khởi nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, tạo tác động xã hội, mang lại các lợi ích kinh tế, kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.

Khai mạc Hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, sự phát triển của khoa học - công nghệ đã mang đến những lợi ích to lớn, giúp cuộc sống của con người tốt hơn, tiện lợi, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, điều này đồng thời khiến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và thay đổi khí hậu.

Trong bối cảnh nền kinh tế yêu cầu sự phục hồi, đồng thời kết hợp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sự quan trọng của “Kinh tế tuần hoàn” được đề cao, đặc biệt với các mô hình khởi nghiệp và kinh doanh bền vững, khái niệm “Kinh tế tuần hoàn” được đưa ra như một giải pháp nhằm cải thiện, khắc phục những vấn đề nêu trên. Nền kinh tế tuần hoàn được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, trong bối cảnh cộng đồng đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường, cạn kiệt tài nguyên ngày càng nghiêm trọng, mô hình kinh tế tuần hoàn mang đến một giải pháp tầm nhìn có thể biến đổi xã hội và nền kinh tế.

Ông Tiến cho hay, nhiều quốc gia khác đã có kinh nghiệm tiết kiệm 80% năng lượng. Chủ tịch FPT hy vọng rằng, đến năm 2035, FPT quyết tâm có khoảng 1 triệu người làm về công nghệ chuyển đổi số và phần mềm trên toàn cầu. Những nhà trường của FPT và nhiều nơi khác sẽ tập trung đào tạo những thế hệ mới với cách nhìn mới nhằm làm chủ tương lai.

Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung trao đổi về một số mô hình khởi nghiệp như: “Tái chế thực phẩm” thông qua việc sử dụng phụ phẩm để tạo ra các sản phẩm giàu chất dinh dưỡng, giảm thiểu rác thải, ô nhiễm môi trường, tạo ra giá trị từ các tài nguyên tái chế, chứng minh mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp thiết thực tạo ra hướng đi bền vững cho doanh nghiệp, cộng đồng.

Các đại biểu nêu giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh mới hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; áp dụng trí tuệ nhân tạo nhưng không lạm dụng trong kinh doanh.... Hội thảo chia sẻ những thuận lợi, khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhiều bài học quý giá về quản trị và định hướng doanh nghiệp bền vững, tuần hoàn.

Hoàng Thúy An, Nguyễn Hồng Liên, Nguyễn Thu Hà, Phạm Thị Thiện

Hồng Liên và nhóm PV, BTV