Cũng theo Quyết định này, các xã khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới có hiệu lực.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã và đang thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016. Theo đó, mục tiêu của Đề án là tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về  đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn.

Ảnh minh họa

Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg và điều chỉnh bổ sung đề án vào năm 2019 với tổng số lượt hộ có nhu cầu hỗ trợ các nội dung trên địa bàn 9 huyện, 01 thành phố là 21.572 lượt hộ; trong đó: hỗ trợ đất ở 2.394 hộ; hỗ trợ đất sản xuất 795 hộ; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 5.992 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán  11.188 hộ; hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư với tổng số hộ theo Đề án là 509 hộ.

Sau 03 năm triển khai thực hiện Đề án, từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương phân bổ, ngân sách địa phương bố trí trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ cho 7.599 lượt hộ, trong đó hỗ trợ đất ở (sạn tạo nền nhà) 1.660 hộ từ nguồn ngân sách địa phương; hỗ trợ đất sản xuất cho 122 hộ, Hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 818 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 4.999 hộ từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương với tổng kinh phí hỗ trợ các nội dung là 14.325,3 triệu đồng. Để các đối tượng được thụ hưởng có thêm kinh phí, có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho 2.247 lượt hộ vay vốn với kinh phí 87.110 triệu đồng.

Sau hơn 3 năm triển khai, Đề án đã từng bước góp phần tạo điều kiện cho hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn tăng gia phát triển sản xuất; chủ động hơn về nguồn nước trong sinh hoạt, nhất là vào mùa khô từ đó mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo và hạn chế được tình trạng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Trần Chung, Bích Hạnh, Thu Hà, Văn Lợi, Mai Hương