Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn trên 902.000ha, cùng với điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn lao động dồi dào, nên tỉnh Kon Tum có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong lĩnh vực phát triển nông - lâm nghiệp.
Trong trên 902.000ha đất nông nghiệp, có gần 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp (chiếm gần 31% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và chiếm 33,11% diện tích đất nông nghiệp); đất lâm nghiệp có rừng gần 602.000ha (chiếm 62,2% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh và chiếm 66,71% diện tích đất nông nghiệp), độ che phủ rừng trên 63%; đất nuôi trồng thuỷ sản trên 1.241ha và đất nông nghiệp khác gần 365 ha.
Tổng diện tích các cây trồng chính của tỉnh hàng năm đến nay đạt khoảng 188.568 ha. Trong đó, một số cây trồng chủ lực như cà phê 29.176ha, cao su 76.233ha; cây ăn quả 6.375ha, Mắc ca 1.219ha; diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 1.157ha, cây dược liệu khác 2.664 ha; tổng đàn gia súc, gia cầm đạt khoảng 1,9 triệu con, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 736 ha, sản lượng thủy sản hàng năm ước đạt 7.100 tấn.
Theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục tập trung phát triển dược liệu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Do đó, để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng của các loại trái cây thì việc mở rộng cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong thời gian, với sự hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp cùng với nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, đến nay, toàn tỉnh có 15 vùng trồng trái cây ăn trái được đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 287,51ha. Trong đó, có 3 mã số vùng trồng mít Thái, 6 mã số vùng trồng chuối, 6 mã số vùng trồng sầu riêng, 1 mã số cơ sở đóng gói chuối phục vụ xuất khẩu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Duy Tân tại xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai). Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã cấp 1 mã số vùng trồng mắc ca với diện tích 10ha tại huyện Kon Rẫy phục vụ tiêu thụ nội địa.
Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật xem xét, tổng hợp và đàm phán với nước nhập khẩu để phê duyệt cho 10 vùng trồng sầu riêng với diện tích 196ha, 2 vùng trồng chanh dây với diện tích 27ha, 1 mã số vùng trồng dứa diện tích 12ha, 1 cơ sở đóng gói chanh dây diện tích 1.200m2.
Ông Bùi Đức Trung- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Sau khi có mã số vùng trồng, sản phẩm trái cây của tỉnh được doanh nghiệp và thương lái chủ động tìm đến hợp tác, thu mua với mức giá cao hơn mặt bằng; đầu ra ổn định. Có thể nói, mã số vùng trồng được xem như “tài sản” của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, là “tấm vé thông hành” đưa trái cây của tỉnh vươn xa.
Tuy nhiên, để được cấp mã số vùng trồng các tổ chức, cá nhân phải thỏa mãn rất nhiều yêu cầu, đó là tất cả các vùng trồng phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn xuất khẩu, như canh tác theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, theo tiêu chuẩn Viet GAP; theo dõi và ghi nhật ký canh tác, kiểm soát dịch hại sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sử dụng... Mỗi mã số vùng trồng đều gắn theo yêu cầu từng thị trường và việc được cấp mã số mới chỉ là bước đầu. Yêu cầu của nước nhập khẩu thường rất khắt khe, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác với cơ quan chức năng trong sử dụng, giám sát mã số vùng trồng, có như vậy mới phát huy được hiệu quả của mã số vùng trồng, tránh việc bị thu hồi.
Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 35 vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số, 5-10 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng, ngành Nông nghiệp tăng cường quản lý, giám sát nhằm giữ vững số lượng mã số vùng trồng đã được cấp.