Cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế, tình trạng gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Năm 2023, các lực lượng chức năng là thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Kon Tum (BCĐ 389 tỉnh) đã kiểm tra, phát hiện 1.304 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Qua đó, khởi tố 4 vụ việc với 5 đối tượng vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 605 vụ việc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 11,7 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là: ghi nhãn hàng hóa, sản xuất, kinh doanh hàng hóa có chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn đã công bố; không đảm bảo an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không có nhãn mác hoặc có nhãn mác, logo giống với sản phẩm khác cùng loại gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng;...

B13_A3_Kon tum.jpg
Cán bộ QLTT Kon Tum thi hành công vụ

Tăng cường tuyên truyền

Tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng;

Xử lý các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; hành vi sản xuất hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trên môi trường mạng; thanh tra, kiểm tra về thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng.

Sở Công Thương triển khai xây dựng được 5 điểm bán hàng Việt, tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận, mua sắm hàng Việt Nam chính hãng, có chất lượng. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt vào những đợt cao điểm như hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (ngày 15/3), các đợt lễ, Tết.

Nhằm tạo sự lan tỏa, hưởng ứng tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 gắn với chủ đề năm là “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội

Dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng theo đánh giá của các ngành chức năng, các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng vẫn còn diễn ra phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, tại Kon Tum, kiến thức về tiêu dùng của một bộ phận người dân còn hạn chế, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS chưa thực sự hiểu hết quyền lợi của mình khi tham gia mua sắm hàng hóa. Nhiều người chưa có thói quen kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, ham hàng rẻ, nên bị một số gian thương lợi dụng để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả.

B13_A2_Kon tum.jpg
TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động mua sắm trực tuyến cũng có mặt trái là tạo “kẽ hở” cho một số đối tượng bán hàng không đúng giá trị thực tế, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Vì vậy, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Phát huy tính chủ động, người tiêu dùng cũng cần đặt vấn đề an toàn về sức khỏe, an toàn về thông tin khi tiếp cận, mua sắm hàng hóa, kiên quyết nói “không” với những sản phẩm không được minh bạch thông tin và những tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xem nhẹ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Kon Tum đã kiểm tra 117 vụ, xử lý 81 vụ, phạt hành chính 830 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 774.323.000 đồng. Các nhóm hành vi vi phạm chủ yếu: Mua bán hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lĩnh vực thương mại điện tử đã kiểm tra 07 vụ (trên nền tảng Facebook), xử lý 07 vụ, tổng số tiền phạt hơn 85 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 152 triệu đồng.

Mặc dù công tác phát hiện, ngăn chặn các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, buôn bán hàng cấm đã có bước chuyển biến tích cực, đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhưng vẫn gặp một số khó khăn nhất định.

Trong đó việc cung cấp và trao đổi thông tin về công tác quản lý địa bàn, công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính là những vấn đề cấp thiết cần phải thực hiện tại địa bàn các huyện, thành phố.

Từ thực tế đó, Cục QLTT tỉnh Kon Tum và UBND các huyện, thành phố đã thống nhất triển khai ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống sản xuất, mua bán hàng giả, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại.