Ông Huỳnh Thúc Viên - Trưởng phòng Môi trường (Sở TN&MT Kon Tum) cho biết, nhiều năm trở lại đây, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng, thiệt hại khá nặng nề về người và tài sản trên địa bàn tỉnh. 

Theo ông Viên, từ năm 2020 - 2023 biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã khiến hơn 1.000ha bị hạn hán; 1.641 giếng nước cạn trơ đáy; 4 công trình nước sinh hoạt bị khô hạ; 2.094 hộ dân bị ảnh hưởng.

Biến đổi khí hậu 1.jpg
 Nắng hạn kéo dài, nhiều hồ nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum cạn trơ đáy. Ảnh: L.N

Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng gây nên tình trạng về mưa lũ khiến 10 người bị chết; 2.496 nhà ở bị ảnh hưởng thiệt hại; 41 điểm trường và 21 phòng học bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; 5 trạm y tế, 9 công trình văn hóa, 2 trụ sở cơ quan, 2 trụ điện bị hư hỏng.

Mưa lũ cũng làm gần 4.178ha diện tích canh tác bị ảnh hưởng; 270 con gia súc và 7.404 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; hơn 46ha ao nuôi cá bị ngập, gần 53ha ao hồ bị xói lở; 79 cầu, cống, ngầm và hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng, bồi lấp, xói lở; 37 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng và nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, gây ách tắt giao thông. Tổng giá trị thiệt hại hơn 1.279 tỷ đồng.

Biến đổi khí hậu 2.jpg
 Nhiều hécta cà phê của người dân héo úa vì thiếu nước. Ảnh: Đ.N

Trước những biến đổi mang tính cực đoan của thời tiết, tỉnh Kon Tum đã bố trí đối ứng hơn 131 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương để thực hiện dự án Hồ chứa nước Đăk Pokei thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 2.000ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt cho 15.000 nhân khẩu xã Đăk Ruồng, Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) và 20.000 nhân khẩu xã Đăk Blà (TP. Kon Tum).

Bên cạnh đó, dự án Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu, vốn vay ADB sẽ sửa chữa, nâng cấp một số hệ thống thủy lợi trên địa bàn các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà và Kon Rẫy để nâng cao hiệu quả sử dụng nước nhằm đảm bảo ổn định cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ tưới khoảng 1.448ha cây trồng.

Biến đổi khí hậu 3.jpg
 Cầu Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) bị xói lở chân khay mố cầu. Ảnh: Sở NN&PTNT Kon Tum

Ngoài ra, các sở, ban, ngành cũng tích cực triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai cấp bách như: Đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đảm bảo an toàn đập thủy lợi, hồ chứa nước, kè chống sạt lở bờ sông, dự án bố trí, sắp xếp dân cư ở vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn.

Biến đổi khí hậu 4.jpg
 Sau khi hoàn thành, hồ chứa nước Đăk Pokei sẽ đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho 2.000ha lúa nước, hoa màu, cây công nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt cho 35.000 nhân khẩu trên địa bàn. Ảnh: T.H

Để góp phần vào sự phục hồi, phát triển của hệ sinh thái rừng, giảm khí thải nhà kính trên địa  bàn tỉnh, công tác trồng rừng cũng được chú trọng. Trong năm 2022, các đơn vị, địa phương đã trồng được hơn 5.425ha rừng (trồng mới gần 5.261ha, trồng lại rừng sau khai thác gần 165ha) và 586.795 cây phân tán. Các đơn vị chủ rừng đã thực hiện chăm sóc hơn 5.377ha rừng và khoanh nuôi tái sinh gần 1.175ha. Chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng ngày càng được gia tăng, tích lũy cacbon và dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Kon Tum đã xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu như giống chịu hạn, chịu lạnh. Triển khai thực hiện đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã góp phần giải quyết việc làm, tăng  thu nhập cho người dân trong điều kiện thiếu nước không thể tổ chức sản xuất lúa truyền thống.

Trần Hoàn