Một chiều tháng 6, giữa cái nắng hè gay gắt như cháy da cháy thịt. Dạo một vòng cánh đồng sen bạt ngàn tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội), chúng tôi bắt gặp những người đàn ông đang chèo thuyền giữa đầm sen mênh mông để hái bông. Chỉ một lúc, thuyền nào thuyền nấy đầy ắp sen trắng, sen hồng nối đuôi nhau vào bờ. Sau đó, sen nhanh chóng được chia thành bó chuyển cho thương lái kịp chuyến chợ đêm.
Nhìn về phía đồng sen bạt ngàn ở phía trước, anh Lã Quang Khanh - chủ đầm sen 60ha này - tâm sự: “Không dễ gì có được đầm sen rộng hàng chục hecta này. Nghề làm sen cũng vất vả lắm vì mùa sen vào đúng những tháng nóng đỉnh điểm trong năm. Chúng tôi phải dậy từ 3-4 giờ sáng, có hôm 9-10 giờ tối mới nghỉ”.
Nơi đầm sen khổng lồ thơm ngát này, ít ai biết, trước đây vẫn là những thửa ruộng hoang, thường xuyên bị ngập úng, năm chỉ trồng được một vụ lúa, rất kém năng suất.
Từ vùng cánh đồng trũng bỏ hoang ở Hà Nội, anh Khanh đã biến thành đầm sen rộng 60ha |
Thời điểm này sen đang cho thu hoạch rộ |
Kể về những ngày tháng vất vả đi tìm đất cắm dùi, anh Khanh tâm sự, làng quê anh vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa. Trước, anh từng trồng được 7 sào hoa hồng. Nhưng với sen, đây là loại hoa khó tính, việc trồng và chăm sóc đòi hỏi sự tỉ mỉ, vất vả và kỹ thuật cao hơn, để phát triển được cần có diện tích rộng.
Trong khi, diện tích ruộng lúa của làng bị bỏ hoang khá lớn, người dân không còn mặn mà để canh tác nông nghiệp, trồng cây trái đều không lên được. Thấy vậy, anh nảy ra ý tưởng thuê đất của bà con trong thôn để trồng sen.
Với mức đàm phán 25kg thóc/sào/năm, năm 2017 chỉ có chưa đầy một nửa số hộ trong thôn đồng ý cho anh thuê lại với diện tích khoảng 20ha. Còn đa số lắc đầu, băn khoăn bởi họ lo mất quyền lợi khi giải phóng mặt bằng về sau này.
Thời gian đầu, quanh đây vẫn kín đầy bèo tây, cỏ lác mọc um tùm, anh phải thuê người dọn dẹp, cải tạo mất gần 1 năm trời. Làm được đến đâu, anh bắt đầu trồng sen đến đó. Lúc ấy, do chưa có kinh nghiệm, anh trồng giống sen quỳ để lấy hạt nhưng năng suất không cao, bị chuột bọ ăn hết. Thu không đủ bù chi khiến anh lỗ ngót nghét cả trăm triệu đồng, cộng thêm đất thuê còn lỗ chỗ, mỗi nơi một ít rất khó để canh tác.
Quyết không nản chí, năm 2018, anh tiếp tục đi vận động người dân cho mình thuê ruộng. Lần này anh Khanh đồng ý cho các hộ dân được nhận đền bù tài sản trên đất nếu diện tích này bị Nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Người dân chèo thuyền ra đầm thu hái sen |
Thuyền sen cập bờ sẽ được thương lái tới tận nơi mua |
“Sau khi có cam kết, người dân tin tưởng giao đất cho mình. Mỗi năm mở rộng thêm vài chục hecta, đến nay diện tích đầm sen của tôi đã lên đến 60ha”, anh nói. Thay vì trồng giống sen lấy hạt như trước, lần này anh chọn trồng loại sen phục vụ nhu cầu chơi hoa và ướp trà là sen bách diệp. Ngoài ra anh còn trồng sen bạch liên.
Sen có sức sống mãnh liệt, gần như không có sâu bệnh nên việc trồng không quá khó. Cộng thêm kinh nghiệm học hỏi anh em bạn bè và trên mạng xã hội, những năm gần đây anh trồng sen khá “mát tay”.
Song, anh Khanh cũng thừa nhận, vất vả nhất là những tháng thu hoạch, từ tháng 5 đến tháng 7. Trong đó, sen hồng dùng để ướp trà phải được thu hái từ sáng sớm tinh mơ. Bởi tầm 4-5 giờ sáng lúc đó búp hoa sen vừa chớm nở sẽ giữ được trọn vẹn mùi hương. Với sen trắng thì được hái vào buổi chiều cho kịp chuyến chợ đêm chở đi khắp thủ đô để phục vụ khách chơi.
“Hiện trung bình mỗi ngày tôi thu hái được khoảng 1 vạn bông. Do đầu ra trà sen chưa được mở rộng nên phần lớn hoa tôi bán là phục vụ sở thích chơi hoa của người dân. Hoa hái đến đâu đều được thương lái đứng trên bờ mua đến đó”,anh nói.
Mỗi mùa sen nở, anh Khanh thu hái được khoảng 1 triệu bông |
Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá sen giảm chỉ còn khoảng 2.000-2.500 đồng/bông, thậm chí có thời điểm rớt giá chỉ còn 1.500 đồng/bông. Sen để ướp trà vẫn giữ nguyên giá 20.000 đồng/bông.
Theo đó, vào mùa sen nở, trung bình mỗi ngày anh thu hái được khoảng 8.000-10.000 đông, cao điểm lên đến 15.000 đông. Nhẩm tính, tổng số hoa thu được trong một vụ thì lên gần 1 triệu bông sen. Doanh thu đạt khoảng trên dưới 2,5 tỷ đồng, trừ đi chi phí lãi khoảng 300-500 triệu đồng, anh Khanh cho hay.
Để kịp công việc mỗi khi vào mùa, anh phải thuê thêm 20 người làm. Trong đó, người chuyên ngồi ướp trà sen anh phải thuê họ với tiền công 300.000 đồng/ngày. Riêng người chèo thuyền đi hái sen được trả công 500 đồng/bông, nhờ vậy có người đút túi cả bạc triệu mỗi ngày.
Nghề làm sen tuy nặng nhọc, vất vả nhưng với anh Khanh đó là đam mê, tâm huyết với nghề trồng hoa truyền thống của quê hương. Sự kiên trì, cần mẫn, chịu thương chịu khó đã giúp anh biến nơi đất trũng bỏ hoang thành “đồng Tháp Mười ở Hà Nội” tỏa ngát hương thơm.
Bài, ảnh: Nhật Thanh
Sen quan âm đi máy bay ra Hà Nội, đổ mối vạn bông vẫn không đủ bán
Loại sen quan âm trồng ở miền Nam dịp này đang được vận chuyển ra Hà Nội bằng máy bay để phục vụ nhu cầu mua cắm trưng trong nhà hay đi lễ đầu năm. Nhờ đó, dân buôn nhập cả vạn bông mỗi tuần vẫn không đủ bán.