Cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ bến cảng Sài Gòn rời Tổ quốc để khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước.

{keywords}
Bến Nhà Rồng.

Ngày 2/6/1911, tàu Amiral Latouche Tréville của hãng vận tải Hợp nhất (thường gọi hãng Nǎm Sao) đậu ở cảng Sài Gòn. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành được biết tàu đang chuẩn bị đi Marseille (Pháp). Với lời tha thiết xin việc làm trên tàu để có dịp xuất dương, anh gặp thuyền trưởng và nói mình có thể làm bất cứ công việc gì trên tàu, thuyền trưởng nhận anh xuống làm phụ bếp. Ngày 3/6/1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc với tấm thẻ mang tên “Văn Ba”. Trưa 5/6/1911, tàu Latouche Tréville rời bến cảng Sài Gòn…

Theo đó, hành trình 30 năm bôn ba với 10 năm tìm đường cứu nước (1911-1920), Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc đã qua 3 đại dương (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương) với 4 châu lục (Á, Âu, Phi, Mỹ) và gần 30 quốc gia, để xem “các nước họ làm như thế nào”.

Dấn thân, trải nghiệm và “Hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/Những đất tự do, những trời nô lệ/Những con đường cách mạng đang tìm đi” (Người đi tìm hình của nước), Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện kịp thời “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lenin tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản năm 1920 (đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp).

Luận cương của Lenin có đề cập vấn đề dân tộc và thuộc địa đã làm cho Người “phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên". Ngồi một mình trong buồng, Người đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Trong quá trình dài và từng bước ấy, Nguyễn Ái Quốc nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười Nga mở ra; cho đến khi khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, là lúc Người đã vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ” ấy vào thực tiễn Việt Nam, đưa cách mạng đến bến bờ vinh quang.

Văn Lợi