Thuật ngữ "Big Three"

Ngành giáo dục Mỹ có thuật ngữ "Big Three" dành cho 3 trường đại học: Harvard, Yale và Princeton. Cụm từ Big Three bắt nguồn từ những năm 1880, khi 3 trường này thống trị các giải bóng đá khuôn khổ các trường đại học Mỹ.

"Big Three" trong ngành giáo dục là 3 ngôi trường danh  tiếng: Harvard, Yale và Princeton

Năm 1906, 3 trường này thành lập một hiệp hội thể thao để chính thức hóa một cuộc thi bóng đá 3 bên. Thỏa thuận này còn xuất hiện trước Ivy League (nhóm 8 trường có thế mạnh về học tập, có đóng góp lớn cho xã hội) gần 1 thế kỷ. Ngày nay, thuật ngữ này được sử dụng để chỉ mức độ tương đương về uy tín, truyền thống, tinh hoa, ưu thế về học thuật và trí tuệ liên kết của 3 trường này.

Thiên đường học thuật

Được thành lập năm 1746 ở Princeton, bang New Jersey với tên gọi ban đầu Cao đẳng New Jersey, Princeton là cơ sở giáo dục đại học lâu đời thứ 4 tại Mỹ và là một trong 9 trường cao đẳng thuộc địa được thành lập trước Cách mạng Mỹ (1765-1783).

Princeton là một trong những trường đại học lâu đời nhất nước Mỹ 

Princeton được chuyển đến thành phố Newark vào năm 1747, và 9 năm sau đến địa điểm hiện tại, chính thức trở thành đại học vào năm 1896 rồi được đổi tên thành Đại học Princeton. Đây luôn là một trong những trường đại học được xếp hạng cao nhất trên thế giới. 

Đại học Princeton được quản lý bởi các hội đồng ủy thác và có khoản tài trợ trị giá 37,7 tỷ USD - khoản tài trợ lớn nhất bình quân trên mỗi học sinh ở Mỹ. Princeton cung cấp chương trình giảng dạy đại học và sau đại học với các ngành nhân văn, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và kỹ thuật cho khoảng 8.500 sinh viên trong khuôn viên chính rộng 600 mẫu Anh (2,4km2).

Trường có hơn 500 tổ chức sinh viên. Đội thể thao của trường, Princeton Tigers, đã giành được nhiều danh hiệu, nhiều sinh viên và cựu sinh viên tham dự Thế vận hội Olympics. Ngoài ra, Đại học Princeton nổi tiếng với hệ thống thư viện có hơn 11 triệu đầu sách. 

Cái nôi đào tạo tinh hoa nước Mỹ

Tính đến tháng 10/2021, 75 người đoạt giải Nobel, 16 người đoạt huy chương Fields (của Hiệp hội Toán học quốc tế) và 16 người đoạt giải thưởng Turing (của Hiệp hội Khoa học máy tính) liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với Đại học Princeton với tư cách là cựu sinh viên, giảng viên hoặc nhà nghiên cứu.

Năm 2021, giáo sư Vật lý Syukuro Manabe (ngoài cùng bên phải), David MacMillan (Hóa học, ở giữa), Joshua Angrist (Khoa học kinh tế) được trao giải Nobel

Ngoài ra, Princeton có liên kết với 21 người được trao huân chương Khoa học quốc gia, 5 người được trao Giải thưởng toán học Abel, 11 người được nhận huân chương Nhân văn quốc gia, 215 học giả Rhodes (giải thưởng quốc tế sau đại học dành cho sinh viên Mỹ theo học tại Đại học Oxford) và 137 học giả Marshall (học bổng sau đại học dành cho "những người Mỹ trẻ tuổi nổi bật về trí tuệ và những nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ" theo học tại Anh).

2 Tổng thống Mỹ, 12 thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ, nhiều "ông trùm" truyền thông và người đứng đầu các ngành công nghiệp cũng như các nguyên thủ quốc gia nước ngoài góp mặt trong danh sách nhóm cựu sinh viên của Princeton. Nhiều thành viên của Quốc hội và nội các Mỹ, bao gồm 8 Bộ trưởng Ngoại giao, 3 Bộ trưởng Quốc phòng và 2 Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân là cựu sinh viên Princeton.

Phương thức thi tuyển: Đại học Princeton xét tuyển bằng 3 cách: Thi tuyển chung, thi tuyển với các trường trong liên kết và ứng tuyển qua QuestBridge (kết nối sinh viên có thu nhập thấp và là thế hệ đầu tiên trong gia đình học đại học). Ngoài ra, Princeton cũng yêu cầu một số bài luận bổ sung.

Học phí: Học phí năm học 2021-2022 là 77.690 USD (1,9 tỷ VNĐ), trong đó 62% sinh viên nhận được hỗ trợ tài chính, trung bình 57.251 USD (1,4 tỷ VNĐ).

Ước tính 212 triệu USD (khoảng 5 tỷ VNĐ) được trao cho hơn 3.200 sinh viên trong năm học 2021-2022. Khoản trợ cấp trung bình cho khóa 2021-2025 là 62.200 USD (1,52 tỷ VNĐ), bao gồm 100% học phí của Princeton.
Đối với các gia đình có thu nhập 65.000 USD (khoảng 1,59 tỷ VNĐ)/năm, sinh viên nhận gói hỗ trợ bao gồm toàn bộ học phí, tiền phòng và tiền ăn.

Bảo Huy