Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, đặc biệt là khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cũng như mặt hồ các công trình thủy điện trên địa bàn. Đây là thế mạnh để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh, nên cần phát huy thế mạnh để đầu tư cho sản xuất nông – lâm nghiệp.

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Lai Châu đã ban hành 4 chính sách và 3 Đề án để hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp: Chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; chính sách phát triển rừng bền vững; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025; Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn có các chính sách Chương trình mục tiêu Quốc gia.

laichau.jpg
Đồi chè ở Tân Uyên (Lai Châu).

Tính đến thời điểm báo cáo, về triển khai Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 22/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các chỉ tiêu thực hiện vượt như: Diện tích sản xuất lúa hàng hóa tập trung, trồng mới cây ăn quả, trồng mới hoa địa lan, phát triển cơ sở chăn nuôi đại gia súc, phát triển mới đàn ong, phát triển các sản phẩm OCOP; các chỉ tiêu thực hiện đạt trên 50% chỉ tiêu Nghị quyết gồm: Trồng mới cây mắc ca, trồng mới chè, sản lượng cao su, phát triển hóa tập trung, cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, hỗ trợ phát triển mới cá lồng.

Đối với Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển rừng bền vững, một số chỉ tiêu đã được các địa phương thực hiện khá tốt như: Chỉ tiêu hỗ trợ trồng rừng sản xuất loài cây Quế ước đạt hơn 80%; chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ ước đạt 43%. Các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Nậm Nhùn, Mường Tè, Phong Thổ kết quả một số chỉ tiêu đạt, vượt so với kế hoạch giao hàng năm.

Đối với triển khai thực hiện Đề án 04-ĐA/TU ngày 25/8/2021 của Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư; Nhân dân tích cực tham gia đóng góp ngày công, hiến đất để xây dựng; hệ thống hạ tầng thiết yếu tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung dần được hình thành, bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực; định hướng tổ chức sản xuất có sự gắn kết chặt chẽ từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến, bảo quản tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ.

Bước đầu thu hút được các Doanh nghiệp đầu tư, khuyến khích sự tham gia đóng góp của Nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu tương đối đồng bộ nhằm hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Đối với triển khai thực hiện Nghị quyết 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cùng với triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP, bước đầu đã khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, người dân tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo tính ổn định, bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, có giá trị kinh tế. Sản phẩm nông sản được sản xuất theo hướng liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm được kiểm soát một cách chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến khâu chăm sóc, thu hoạch và bảo quản, chế biến … nên các sản phẩm tạo ra theo các chuỗi liên kết đảm bảo đáp ứng được các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đối với triển khai Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 - 2025 đã góp phần khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương; chuyển dần nền nông nghiệp quảng canh, tự cung, tự cấp sang thâm canh, sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cao giá trị sản suất, tăng thu nhập cho người nông dân lên 30,4 triệu đồng/người/năm, tăng 4,9 triệu/người/năm so với năm 2019 (năm 2019 đạt 25,5 triệu đồng/người/năm).

Đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: Lúa hàng hóa 1.262 ha; chè tập trung 4.979 ha; cây ăn quả ôn đới 951.10 ha; cây chuối 2.612 ha; vùng quế 4.749,32 ha; nuôi cá lồng 70.848m3. Góp phần đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm (huyện Sìn Hồ) đến 13,6%/năm (huyện Than Uyên); phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn. Đồng thời nhiều chỉ tiêu Nghị quyết đã đạt và vượt so mục tiêu đề ra như: Tổng sản lượng lương thực có hạt, bình quân lương thực đầu người, diện tích trồng cây dược liệu quý, trồng mới cây quế, thể tích nuôi cá lồng…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải khẳng định: Lai Châu với 82% dân số sống ở lĩnh vực nông thôn, 65% trong độ tuổi lao động, vai trò của phát triển sản xuất, phát triển nông, lâm nghiệp rất quan trọng. Chính vì vậy, từ khi chia tách và thành lập tỉnh đến nay, nhiệm kỳ nào của Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp và ban hành các Nghị quyết hỗ trợ, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách, đề án để nông, lâm nghiệp phát triển...

Với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương và Nhân dân, việc triển khai các Nghị quyết, chính sách, đề án này đã phát huy hiệu quả. Sau khi ghi nhận những kết quả đạt được, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giải đáp, cho giải pháp chỉ đạo đối với các ý kiến kiến nghị, đề xuất và tháo gỡ một số khó khăn của các huyện. 

Để tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các Nghị quyết, chính sách, đề án của tỉnh về phát triển nông nghiệp góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh về sự cần thiết, tính tất yếu và hiệu quả của các Nghị quyết, chính sách, đề án, từ đó huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng tình, chủ động, tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư và người dân trong triển khai thực hiện các Nghị quyết.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết, nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt thấp, dự báo khó đạt, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra. Rà soát, điều chỉnh, cơ cấu lại các mục tiêu, nhiệm vụ theo hướng tăng các chỉ tiêu, nhiệm vụ có tính khả thi, hiệu quả cao, thực tiễn đã đạt và vượt, giảm các chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa phù hợp, đảm bảo đúng định hướng của Nghị quyết, sát với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách của tỉnh cho phù hợp, phát huy hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Các sở, ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng vùng nguyên liệu; tham mưu ban hành quy chế để quản lý chất lượng vùng nguyên liệu gắn với các quy định về tiêu chuẩn sản phẩm, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; xây dựng kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các địa phương để tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến quy mô lớn; tiếp tục vận động, khuyến khích người dân liên kết đất đai với doanh nghiệp để đẩy nhanh quá trình tích tụ, tập trung đất đai hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; quan tâm, đẩy mạnh hoạt động kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác đầu tư vào phát triển nông nghiệp, tham gia liên kết; tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân tiếp cận được các chính sách nông nghiệp thuận lợi nhất.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, đề án, chính sách về phát triển nông nghiệp; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm, nhất là trục lợi chính sách...

Văn Giáp và nhóm PV, BTV