Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, có trên 526 nghìn ha diện tích đất nông nghiệp, chiếm 58,06% diện tích đất tự nhiên.

Từ khi chia tách và thành lập tỉnh đến nay, xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm, nhiệm kỳ nào Lai Châu cũng đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp và ban hành các nghị quyết hỗ trợ, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. 

Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu

Những năm gần đây, nhu cầu trong nước và quốc tế về dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược để điều trị bệnh, bồi dưỡng sức khỏe rất lớn; việc khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được sử dụng rộng rãi.

caysam.png
Cây Sâm Lai Châu


Tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 24-CT/TW, đạt được những kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nuôi trồng, thu hoạch, sử dụng dược liệu và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Đông y được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có trên 23.000 ha cây dược liệu các loại Giai đoạn 2011 - 2022, triển khai 13 nhiệm vụ khoa học - công nghệ (11 nhiệm vụ cấp tỉnh và 2 nhiệm cấp quốc gia) nghiên cứu bảo tồn, nhân giống và trồng một số cây dược liệu quý.

Phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế đặc thù về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu, quản lý nghiêm nguồn dược liệu tự nhiên, tránh tình trạng khai thác cạn kiệt quỹ gen và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Quy hoạch vùng dược liệu cần thiết, xây dựng vườn thuốc Nam.

Phương án “dài hơi” phát triển vùng nguyên liệu chè 

Giai đoạn 2020-2025, tỉnh ta có nhiều chính sách hỗ trợ giống, công trồng và công chăm sóc cho người dân. Mấy năm trước, tỉnh đã triển khai trồng chè cổ thụ. Hiện, các huyện trong tỉnh đã trồng hơn 60ha chè cổ thụ (vượt 4,8ha so với kế hoạch). Năm nay, người trồng chè gặp không ít khó khăn. Bởi nhiều khu vực trồng chè chưa có đường giao thông, bà con khó khăn với việc vận chuyển giống, vật tư, phân bón. Cán bộ huyện, xã lúng túng trong triển khai trồng chè cổ thụ, như: lựa chọn vùng trồng, chuẩn bị giống và kỹ thuật làm đất.

Trước khó khăn trên, Chi cục TT&BVTV tỉnh tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo các huyện, thành phố hướng dẫn người dân tập trung phát triển vùng chè bền vững. Tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó có hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè tập trung và chè cổ thụ. Người trồng chè được tỉnh hỗ trợ 100% giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hái chè. Những hộ khai hoang, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang trồng chè được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha.

Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn địa điểm, khảo sát, đăng ký trồng, chăm sóc chè. Bà con từng bước nâng cao nhận thức về chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn hiệu quả kinh tế chưa cao sang trồng chè. Một số huyện làm tốt việc trồng mới nhằm phát triển vùng nguyên liệu chè bền vững, như: Phong Thổ, Tân Uyên, Tam Đường…

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi đang là tín hiệu đáng mừng đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Bởi, sản phẩm chè búp sẽ được nâng giá trị, người trồng chè có quyền hợp tác với đơn vị họ tin tưởng.

Với sự cạnh tranh trên, đòi hỏi các đơn vị tham gia chế biến chè phải thực hiện phương án “dài hơi” nhằm gắn bó với người trồng chè đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Đặc biệt, các đơn vị chế biến chè đoàn kết, họp bàn, thống nhất giá thu mua chè búp cho người dân ngay từ đầu năm. Từ đó, các đơn vị và người trồng chè hạn chế việc tranh mua, tranh bán, đảm bảo chất lượng đầu vào nguyên liệu.

Vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang tập trung

Nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Than Uyên đã nỗ lực vận động người dân tham gia sản xuất, mở rộng quy mô, thay đổi phương thức từ nhỏ lẻ sang tập trung; liên kết, giới thiệu, thu hút đầu tư các doanh nghiệp để phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Hiện huyện đang tập trung vào các dự án nông nghiệp phát triển sản xuất chuyên canh với quy mô lớn như: gạo chất lượng cao, cao su, chè, quế, chăn nuôi tập trung đại gia súc, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng, bản Chát.

Đặc biệt, huyện đã mạnh dạn đưa vào một số loại cây trồng tập trung có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm như mô hình ngô ngọt, chanh leo (thực hiện liên kết sản xuất giữa huyện Than Uyên với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chi nhánh Sơn La). Qua đánh giá chất lượng cho thấy cây ngô ngọt, chanh leo trồng ở Than Uyên phù hợp, năng suất cao, chất lượng đảm bảo, hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Từ đó góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất thông qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tập trung, hiệu quả; một số vùng nông sản đã hình thành và ngày càng ổn định.

Với mục tiêu đẩy mạnh thâm canh, hạn chế đất nông nghiệp bỏ trống, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Than Uyên phối hợp với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thực hiện mô hình sản xuất thử nghiệm giống Ngô ngọt HIBRIX 53 gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình thử nghiệm được triển khai với quy mô 4 ha tại bản Hua Than, xã Mường Than và bản Nà Đình, xã Mường Kim. Qua 3 tháng trồng thử nghiệm cho thấy cây ngô phù hợp với đặc điểm khí hậu do thiếu nước, khô hạn tại các chân ruộng một vụ; từ đó bà con tận dụng được đất canh tác, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, hạn chế đất nông nghiệp bỏ trống.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua quảng bá, thu hút đầu tư phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn.

Văn Quý và nhóm PV, BTV