Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 có 11 nội dung quan trọng, trong đó có mục tiêu giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Tại Lai Châu, mục tiêu này được đưa vào kế hoạch hoạt động trọng điểm hàng năm. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Phong trào đã phát huy được truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái trong nội bộ nông dân.
Từ phong trào, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tích cực giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống.
Để phong trào ngày càng phát triển, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể về số lượng đăng ký hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, thường xuyên kiểm tra các hoạt động của phong trào để đánh giá hiệu quả và công nhận. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ cho hội viên, nông dân về ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đến nay, chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng được nâng lên, xuất hiện nhiều hộ có thu nhập cao, đã góp phần giảm hộ nghèo, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời nâng cao mức sống, ổn định xã hội, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và tin tưởng vào tổ chức Hội.
Thúc đẩy phong trào nông dân làm kinh tế giỏi
Sìn Hồ là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu nói riêng, của cả nước nói chung. Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất của người dân lạc hậu, cơ sở hạ tầng thấp kém... ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo của huyện.
Đời sống của người dân trong huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây lúa, cây ngô... Sản xuất của người dân lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên nên thu nhập bấp bênh, cái nghèo đeo bám lấy cuộc sống của người dân nơi đây.
Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững" đã thu hút đông đảo nông dân tham gia, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân huyện Sìn Hồ.
Trong hai năm 2021 - 2022, Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức 24 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 1.244 lượt hội viên, nông dân tham gia học tập. Nội dung chủ yếu về cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa; chăn nuôi; trồng trọt; nuôi trồng thủy sản...
Ông Thào A Di, hội viên Hội Nông dân bản Hồ Sì Pán, xã Pu Sam Cáp là một trong những tấm gương phát triển kinh tế giỏi của xã.
Năm 2019, mô hình trồng địa lan trong nhà lưới được ông Di chọn trồng thử nghiệm 300m2 và cho hiệu quả tốt. Từ đó, ông tiếp tục đầu tư vốn khoảng hơn 200 triệu đồng để mở rộng mô hình trồng các loại cây cảnh phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài phát triển kinh tế, ông còn đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn mang lại diện mạo mới cho bản, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Đến nay, toàn huyện Sìn Hồ có 22 cơ sở hội; 188 chi hội nông dân, trong đó có 185 chi hội nông dân theo cụm dân cư, có 3 chi hội nông dân nghề nghiệp, với tổng số 11.889 hội viên nông dân. Toàn huyện có 695 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, 530 hộ cấp cơ sở, 136 hộ cấp huyện, 28 hộ cấp tỉnh.
Thông qua phong trào, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nhiều hộ nông dân đã hiến hàng trăm m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và đường nội bản.
Phong trào sản xuất kinh doanh phát triển có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, góp phần cổ vũ cán bộ, hội viên, nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, từng bước hoàn thành tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện miền núi còn nhiều khó khăn này.
Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Hội đã cử cán bộ thường xuyên xuống cơ sở tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu vay vốn của hội viên để kịp thời có phương án chỉ đạo các chi hội lập danh sách, bình xét đúng đối tượng, mục đích vay vốn
Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, các bãi chăn thả được quy hoạch với quy mô hàng chục đến hàng trăm con/bãi, đẩy mạnh phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, tập trung bảo vệ rừng.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, nông dân liên kết để tham gia thực hiện cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa tập trung. Điển hình như cánh đồng lúa xã Noong Hẻo, Nậm Tăm; vùng chè tập trung xã Sà Dề Phìn, Hồng Thu, Phìn Hồ... Chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau sạch với quy mô lớn đã góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra giá trị sản phẩm ngày càng cao, làm nền tảng cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương.
Gương sáng trong giảm nghèo bền vững
Giai đoạn 2017 - 2021, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" tỉnh Lai Châu đã phát triển cả bề rộng, chiều sâu, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực.
Thông qua phong trào thi đua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích canh tác.
Giai đoạn mới, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở các địa phương tiếp tục thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ đó, xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Ông Tống Văn Thăn, khu tái định cư (khu 11), thị trấn Mường Tè - một trong những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Từ chăn nuôi bò, gia cầm, trồng cây ăn quả, gia đình ông Thăn thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Thăn cho biết: Hội viên nông dân trong khu tái định cư luôn tích cực tham gia thi đua sản xuất, ai cũng muốn mình thoát nghèo, có cuộc sống khá.
Anh Đao Văn Giới, 37 tuổi, dân tộc Thái ở khu 3, thị trấn Mường Tè, huyện Mường Tè là gương mặt xuất sắc trong phong trào nông dân làm kinh tế giỏi. Anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, chủ động lên kế hoạch, xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp để mang lại cho gia đình anh cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Ngày trước, anh chủ yếu nuôi gia cầm nhỏ lẻ và làm nương nên năng suất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, anh quyết định vay 50 triệu đồng cộng với số tiền tích góp được mua một cặp bò giống về nuôi. Bò chủ yếu ăn thức ăn tự nhiên, được chăn thả trên đồi và chỉ về chuồng khi trời tối.
Qua quá trình chăn nuôi, anh nhận thấy, đàn bò phát triển nhanh và cho thu nhập cao. Vì vậy, anh quyết định đầu tư mở rộng quy mô với việc mua thêm gia cầm và đào ao nuôi thủy sản.
Hiện, gia đình anh Giới có 5 con bò, 60 con gia cầm, 10 con lợn và 1 ao cá. Mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn trồng thêm 1.000m2 cỏ voi để làm thức ăn cho cá, bò và chủ động dự trữ nhiều loại thức ăn xanh khác cung cấp thức ăn chăn nuôi. Từ mô hình chăn nuôi, kinh tế gia đình anh phát triển, có điều kiện tu sửa nhà, 2 con ăn học đầy đủ và thoát nghèo.
Chị Vàng Thị Khuyên ở bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên trước đây trồng lúa, ngô nhưng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gia đình và không tạo ra sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị kinh tế, thu nhập cao. Sau thời gian nghiên cứu, học hỏi, năm 2017 chị quyết tâm đầu tư, trồng gần 90 cây mít Thái trên 3.000 m2 đất vườn của gia đình.
Chị Khuyên chọn mít Thái bởi đây là loại cây trồng mới trên địa bàn chưa có ai đầu tư mà đất vườn lại khá màu mỡ phù hợp với cây mít. Bên cạnh đó, chị trồng xen canh chuối trên cùng một diện tích đất vườn nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.
Đầu năm 2021, lứa mít đầu tiên đã được thu hoạch với quả to, múi dày và ngọt, được nhiều người đặt hàng mua. Ngoài ra, chị còn nuôi thêm dê, cá. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, năm 2021 gia đình chị thu về khoảng 60 triệu đồng. Cuộc sống ổn định, kinh tế vững vàng, về lâu dài, mô hình này có cơ hội phát triển hơn nữa.
Thời gian tới, tỉnh Lai Châu, các cấp Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình sản xuất, lấy nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, làm trung tâm để giúp nông dân tổ chức lại sản xuất.
Hội nông dân tỉnh cần nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn và những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nông dân, giúp nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, tiến đến xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản của địa phương. Qua đó, từng bước giảm tỷ lệ nghèo, xây dựng nông thôn mới khang trang, sạch đẹp, nâng cao dân trí, đảm bảo an ninh trật tự địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Quỳnh Nga