Đệm lót sinh học là lớp đệm lót chuồng chăn nuôi được cấy nhóm vi khuẩn làm từ các nguyên liệu tự nhiên. Tại huyện Tân Uyên (Lai Châu), một số hộ chăn nuôi đã áp dụng thử nghiệm và thu được những thành công bước đầu.

{keywords}
Đệm lót sinh học giúp tiêu diệt mầm bệnh nguy hiểm. 

Điển hình là cơ sở chăn nuôi của anh Đoàn Văn Kiên, tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên. Quy mô của cơ sở trung bình khoảng 50 con bò (babe, laisin) sinh sản và hàng trăm con lợn duy trì thường xuyên

Cơ sở chăn nuôi của anh Kiên chủ động từ nguồn con giống đến khai thác chế biến nguồn thực phẩm và thành phẩm bán ra thị trường với nhiều loại khác nhau. Sản phẩm thịt bò sấy, thịt trâu sấy tại cơ sở này đang được địa phương xây dựng trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2021.

Bên cạnh áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, anh Kiên thử nghiệm mô hình đệm lót sinh học cho chuồng trại. Sau khi tham khảo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy nhiều nơi sử dụng đệm lót sinh học có nhiều lợi ích và giảm tối đa nhân công, giảm ô nhiễm môi trường, anh đã đầu tư vào khu chuồng trại chăn nuôi bò.

Ưu điểm của biện pháp này là khử được mùi hôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh; không tốn công thu dọn phân gia súc mà vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh. Đệm lót được làm bằng các nguyên liệu: trấu, mùn cưa, vỏ lạc, xơ dưa, lõi ngô....độ dày đệm lót từ 30 - 40 cm; sử dụng chế phẩm EM phun đều lên nguyên liệu; đậy kín mặt bằng bằng bạt hoặc nilong trong 1 tuần để đệm lót lên men vi sinh. Sau đó thả bò vào chuồng để chăn nuôi như bình thường.

Chăn nuôi bò theo mô hình ứng dụng đệm lót sinh học có thể tiết kiệm được lượng nước, thuốc thú y cũng như nhân lực bởi người chăn nuôi không cần dùng nước để rửa chuồng, nước chỉ được dùng để phun tạo độ ẩm nền chuồng. Trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt sẽ ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, làm ấm cho bò giúp tăng khả năng kháng bệnh của bò, người chăn nuôi hạn chế phải sử dụng đến thuốc thú y.

Quan trọng nhất là chăn nuôi bò theo trên nền đệm lót sinh học góp phần giải quyết được vấn đề môi trường do chất thải được các vi sinh phân hủy hết nên không có mùi hôi. Chi phí làm đệm lót khoảng 1,5 triệu đồng/10m2, thông thường có thể sử dụng từ 6 tháng đền một năm. Các chất của đệm lót khi đã hoai mục có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng rất tốt.

Cơ sở chăn nuôi của anh Kiên được đổ bê tông toàn bộ nền chuồng và làm hệ thống cống ngầm chắc chắn. Lớp men sinh học có kèm theo mùn cưa, trấu rắc trên nền bê tông với độ dày khoảng 20cm. Nếu tính chi phí cho nhân công dọn chuồng nuôi gia súc, khi chưa sử dụng đệm lót sinh học, với quy mô chuồng trại hiện tại, gia đình anh phải cần đến 5-10 người thực hiện trong 2 ngày.

Với giá 200 nghìn đồng/ngày, trung bình mỗi lần dọn, anh phải chi từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng. Từ khi sử dụng đệm lót sinh học, số lượng nhân công giảm xuống, chi phí dọn dẹp cũng giảm theo. Ngoài ra, anh còn tận dụng bán được phân chuồng với giá 27.000 đồng/bao phân, mỗi lần thu hót phân tính lên đến hàng nghìn bao, tương đương khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này tiếp tục tái sử dụng đầu tư phục vụ chăn nuôi.

Anh cho biết, muốn chăn nuôi trâu bò hiệu quả, trước khi thả giống phải chuẩn bị được nguồn thức ăn ổn định bằng cách trồng cỏ voi, ngô để đảm bảo cho vật nuôi. Nguồn phân bón từ chăn nuôi tiếp tục bón cho cây trồng xung quanh vườn, trong đó có cỏ voi nên quanh năm xanh tốt, là nguồn thức ăn lớn cho trâu bò.

Anh cũng chú trọng công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, để chủ động tạo hệ miễn dịch cho vật nuôi trước các dịch bệnh nguy hiểm. Đặc biệt là lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi… Anh lưu ý, mô hình chăn nuôi có sử dụng đệm lót sinh học phù hợp với trâu, bò, bê. 

Cơ sở của anh Kiên là mô hình chăn nuôi tập trung quy mô trang trại gắn với an toàn sinh học, bảo vệ môi trường duy nhất trên địa bàn thị trấn đến thời điểm hiện tại. Lợi ích lớn nhất mô hình chăn nuôi này mang lại đó là bảo vệ môi trường sống, môi trường sinh thái và phòng ngừa mầm bệnh phát tác hiệu quả. Hiện nay, thị trấn đang định hướng, hỗ trợ kỹ thuật nếu các hộ chăn nuôi có nhu cầu chăn nuôi bằng phương pháp này.

Thời gian tới, huyện Tân Uyên sẽ triển khai hướng dẫn, thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường tại địa phương. Trong đó, sẽ nhân rộng và áp dụng rộng rãi mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.

Thu Hằng