Vừa qua, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do ông Tống Thanh Bình - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm trưởng đoàn giám sát tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh), Công ty Cổ phần Nhật Quang T&T, Sở LĐ-TBXH về tình hình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2016-2019.
Thực hiện cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2016-2019, NHCSXH tỉnh căn cứ các thủ tục cho vay giải quyết việc làm của Chính phủ, Tổng Giám đốc NHCSXH đã triển khai đầy đủ, kịp thời đến 108 điểm giao dịch/108 xã phường, thị trấn trên địa bàn.
Theo đó, tổng dư nợ tính đến hết năm 2019 là 142.149 triệu đồng, tăng 82.131 triệu đồng so với năm 2015, với 4.551 lượt khách hàng vay vốn, 3.433 khách hàng đang còn dư nợ, tạo việc làm cho 4.687 lao động có việc làm. Nguồn vốn chủ yếu đầu tư vào cho vay chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh buôn bán nhỏ. NHCSXH kiến nghị HĐND tỉnh bổ sung nguồn vốn vay 30 tỷ đồng/năm vào nghị quyết nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn vốn hàng năm.
Qua giám sát nguồn vốn vay cơ bản đáp ứng nhu cầu, mục đích và đúng đối tượng. Tuy nhiên còn mắc một số tồn tại hạn chế như: công tác chỉ đạo, phối hợp với các địa phương trong tuyên truyền có nơi, có thời điểm còn hạn chế; công tác thanh, kiểm tra việc theo dõi khắc phục hạn chế và tồn tại còn chưa sát sao, chưa có báo cáo kết quả…
Làm việc trên vườn chè Lai Châu |
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân có chức năng nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2016-2019, Trung tâm đã mở được 87 lớp đào tạo nghề cho 2.668 lao động nông thôn trong tỉnh. Trung tâm nghiêm túc thực hiện việc tuyển sinh đối tượng học nghề theo quy định; trước khi mở lớp phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân cơ sở và Phòng LĐ-TBXH các huyện, thành phố tiến hành rà soát, kiểm tra và thẩm định đối tượng tuyển sinh học nghề theo đúng quy định. Chi phí hỗ trợ học viên tham gia học nghề được thực hiện đúng, đủ theo định mức được duyệt.
Với Sở LĐ-TBXH, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được Sở thực hiện đúng quy định, hàng năm tiến hành khảo sát ngành/nghề đào tạo theo nhu cầu đăng ký học thực tế của người lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, xã hội, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo sát thực tế. Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh tổ chức đào tạo cho 26.797 lao động với 893 lớp. Trong đó, 23.084 lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao. Số lượng lao động được tư vấn việc làm là 61.285 người, lao động đi làm việc tại nước ngoài là 430 người, 2.159 người được giới thiệu việc làm.
Việc quản lý và sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm và Quỹ BHTN được Sở thực hiện đúng quy định. Tổng dư nợ Quỹ quốc gia về việc làm đến nay là 142,149 tỷ đồng, thông qua vay vốn giải quyết việc làm đã có 4.551 lượt khách hàng được vay vốn, tạo việc làm cho 4.687 lao động. Công tác thanh, kiểm tra được Sở chú trọng thực hiện, giai đoạn 2016-2019 kiểm tra được 21 cuộc, qua đó phát hiện nhiều DN không chấp hành đầy đủ về an toàn, vệ sinh lao động, nội dung hợp đồng không đúng quy định, tham gia BHXH chưa đầy đủ cho người lao động. Trong quá trình thực hiện Sở còn gặp một số hạn chế như: việc kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa được thường xuyên; chưa lập danh sách theo dõi, thống kê số người có việc làm theo từng hình thức đào tạo...
Tại các buổi giám sát, các đơn vị kiến nghị một số vấn đề như: đối với Trung ương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo cho lao động nông thôn theo Đề án của 1956 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2021-2030 để địa phương tổ chức thực hiện; hàng năm xem xét cấp bổ sung vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm; tiếp tục xây dựng Đề án hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; Đối với UBND tỉnh, hàng năm phân bổ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo nội dung, lộ trình, kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn để ngành Lao động tổ chức thực hiện đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra; Sở LĐ-TBXH tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định tạm ứng 50% với lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng; v.v…
Kết luận buổi giám sát, ông Tống Thanh Bình, Phó trưởng Đoàn ĐBQH, Trưởng đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh yêu cầu các đơn vị vừa giám sát cần có những giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện việc vay vốn, hỗ trợ việc làm.
Như Sỹ
Ảnh: Lệ Yên