Từ chỗ nơm nớm lo sợ đổ vỡ dây chuyền, hệ thống ngân hàng đang thay đổi rất nhanh, theo chiều hướng minh bạch hơn và vững mạnh hơn. Một nền tảng mới có thể giúp Việt Nam chống chọi lại với các cuộc khủng hoảng và tác động tiêu cực từ thế giới và là tiền đề cho kinh tế phát triển.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính tới cuối tháng 11/2015, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống NH đã xuống dưới 3%, từ mức 17% hồi tháng 9/2012. Tới cuối 2015, tỷ lệ này tiếp tục giảm giúp thực thi mục tiêu đã đề ra trước đó.
Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của đa số các TCTD đều được nhận định giảm rõ rệt trong năm 2015 và kỳ vọng tiếp tục giảm trong năm 2016. Tính đến cuối năm 2015, trên 90% TCTD cho biết tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của họ đang ở mức dưới 3%, chỉ có một vài TCTD thuộc nhóm các công ty tài chính và cho thuê tài chính nhận định tỷ lệ nợ xấu của đơn vị mình còn ở mức trên 3%.
Theo PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân, giai đoạn 5 năm vừa qua (2011-2015), kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt và vượt qua rất nhiều khó khăn xuất phát từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Khó khăn trong nước là lạm phát cao, lãi suất cao, hệ thống NH nợ xấu dồn ứ và đối mặt với khả năng mất thanh khoản. Bên ngoài là sự chao đảo của thị trường tài chính toàn cầu, một cuộc chiến tranh tiền tệ chịu tác động từ cú sốc NDT và chứng khoán Trung Quốc.
Chính sách tiền tệ thực hiện đúng đã giúp ổn định kinh tế vĩ mô và là tiền để cho tăng trưởng tốt hơn. |
Vượt trên mọi khó khăn, tính tới cuối 2015, về cơ bản, VN không những ổn định được kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, mà còn tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống NH… Đây là điểm sáng đáng ghi nhận so với giai đoạn trước.
TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, những thành công trong điều hành chính sách tiền tệ đã giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Lạm phát được kiềm chế, giảm mạnh từ trên 18% năm 2011 xuống mức kỷ lục 1,84% năm 2014.
Theo ông Phước, cán cân thương mại của VN trong 5 năm qua về cơ bản được cải thiện, nhờ đó giúp dự trữ ngoại hối tăng cao. Tái cơ cấu hệ thống TCTD là trụ cột chuyển biến tích cực nhất trong 3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế, tạo dựng lòng tin cho NĐT trong và ngoài nước, hỗ trợ tích cực chính sách tài khóa.
Trái ngược với tình trạng nơm nớm lo sợ đổ vỡ dây chuyền hồi 2011-2012, thanh khoản của toàn hệ thống TCTD liên tục ở trong trạng thái dồi dào đối với cả VNĐ và ngoại tệ trong 2015. Trong quý I/2016, mặc dù có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế tăng cao, 55% TCTD tin tưởng thanh khoản của hệ thống tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt, 41% TCTD kỳ vọng thanh khoản tiếp tục tốt hơn nữa đối với cả VNĐ và ngoại tệ.
Chuẩn bị giai đoạn mới
Một trong 5 điểm sáng kinh tế giai đoạn 2011-2015 mà GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận là: trong nhiệm kỳ 5 năm, lần đầu tiên mức tăng trưởng đạt cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều so với những năm 2011-2012. |
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định. Trong điều kiện kinh tế trong nước phục hồi chưa đủ mạnh, kinh tế thế giới và Trung Quốc sụt giảm, biến động… thì việc vẫn giữ được thành tích này thực sự là một điểm rất sáng của nền kinh tế.
Mức lạm thấp nhất trong 14 năm, chỉ 0,63%; lãi suất cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay giảm, xuất khẩu tăng, cán cân thanh toán thặng dư, nhiều cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, kể cả khi Mỹ tăng lãi suất.
Theo đánh giá của Chính phủ, mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện. Tỉ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên; khắc phục một bước quan trọng tình trạng đô-la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế.
Trên thực tế, tính đến cuối năm 2015, NHNN đã giảm 9 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm khoảng 8,5%/năm với lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 6,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 13%/năm xuống 4,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm từ 16%/năm xuống 7,5%/năm; trần lãi suất huy động bằng VND từ mức 14%/năm xuống còn 5,5%/năm…
Đối với ngoại tệ, NHNN đã 6 lần điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi USD, đưa lãi suất tiền gửi USD của tổ chức và cá nhân xuống mức lãi suất đồng nhất 0%/năm.
Có thể thấy, từ chỗ nơm nớm lo sợ đổ vỡ dây chuyền, hệ thống NH đang thay đổi rất nhanh, theo chiều hướng minh bạch hơn và vững mạnh hơn. Một nền tảng mới có thể giúp Việt Nam chống chọi lại với các cuộc khủng hoảng và tác động tiêu cực từ thế giới và là tiền đề cho kinh tế phát triển.
Trong năm 2016, kỳ vọng tăng trưởng huy động vốn bình quân của hệ thống NH đạt tới 17,46%, cao hơn kỳ vọng 14,35% trước đó cho 2015. Dư nợ tín dụng của toàn hệ thống năm 2016 được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 21,4%, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 14,57% cho cả năm 2015.
Những cú sốc đầu năm mới trên TTCK Trung Quốc đã không có nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam. Hàng loạt các dự báo của WB, IMF, ADB và các tổ chức tài chính có uy tín đều cho rằng, các nền kinh tế mới nổi sẽ gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng chậm lại. Kinh tế thế giới cũng tăng chậm lại. Tuy nhiên, với VN thì khác, VN được dự báo là một trong vài ngôi sao hiếm hoi trong một bức tranh kinh tế thế giới ảm đảm.
Một mặt bằng lãi suất NH thấp hơn đáng kể so với trước đây là tiền đề quan trọng để các DN trong nước mở rộng sản xuất kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh VN hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.
M.Hà