Hướng đến ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, tạo lập và duy trì liên kết bền vững giữa các chủ thể tham gia kênh sản xuất, định hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản theo nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, công tác dự báo thị trường nông sản được đặc biệt chú trọng, các thông tin cung cầu nông sản như thời vụ, sản lượng, chất lượng, chủng loại; thông tin tình hình sản xuất, giá cả, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng đặc trưng tại tỉnh ở thị trường trong nước và quốc tế được cung câó cho doanh nghiệ và các hộ sản xuất kinh doanh.
Về tổ chức các kênh tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết bền vững: giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh đặt mục tiêu xây dựng 3 kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính là doanh nghiệp - hợp tác xã chế biến bảo quản; 2 dự án kênh tiêu thj sản phẩm với chủ thể chính là doanh nghiệp - hợp tác xã kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại; 1 dự án xây dựng kho dự trữ nông sản có sự tham gia của các doanh nghiệp phân phối.
Giai đoạn 2026 - 2030, tổ chức thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc nông sản ứng dụng công nghệ số trong tất cả các kênh tiêu thụ được xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Lâm Đồng đặt ra các giải pháp gồm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách khuyến khích, ưu đãi và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế chính sách hỗ trợ khuyến khích chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả công tác dự báo nhu cầu thị trường phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Từ nhiều năm nay, tỉnh Lâm Đồng có những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng trong nước và thế giới, đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm như Rau - hoa Đà Lạt, Sầu riêng Đạ Huoai, Rượu vang Đà Lạt, mứt trái cây Đà Lạt, gạo nếp quýt Đạ Tẻh, Cà phê Cầu Đất, dược liệu Atiso Đà Lạt…
Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh
Nhằm mục tiêu cung cấp thực phẩm chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao năng suất và thu nhập cho người nông dân thông qua ứng dụng mô hình sẩn xuất nông nghiệp thông minh theo chuỗi giá trị nông sản, Lâm Đồng đã triển khai Dự án “Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam”.
Dự án được thiết kế gồm 3 phần: xây dựng trang trại thông minh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; phát triển hệ thống phần mềm điều hành, giám sát canh tác, phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định; xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về nông nghiệp thông minh.
Ông Ngô Thế Hiên, Giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết dự án được kỳ vọng tạo ra mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hành, có khả năng cạnh tranh cao, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân và là mô hình chuyển đổi số cho lĩnh vực trồng trọt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2021, ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng đạt con số kỷ lục với 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020, vượt xa chỉ tiêu 42 tỷ USD đặt ra.
Có được thành công như trên là nhờ sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế , thông qua các chương trình dự án tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, khắc phục những điểm hạn chế trong toàn bộ chuỗi sản xuất, tiêu thụ cũng như dự báo nhu cầu thị trường.
Thế Vinh