Lâm Đồng là tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên dù ít ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nhưng tỉnh lại bị ảnh hưởng gián tiếp dẫn tới tình trạng mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập, mưa đá, lốc xoáy, sạt lở đất, sương muối, hạn hán, sét.

Đến mùa mưa, Lâm Đồng lại đối diện với tình trạng sạt lở đất ở các tuyến đường, các bờ sông, bờ suối. Địa hình tại Lâm Đồng có độ cao trên 1000m, đất đỏ bazan, đất phù sa…, có độ dốc cao nếu mưa lớn kéo dài sẽ dẫn tới nguy cơ sạt trượt đất. Tại các thành phố thị xã cũng có hiện tượng sạt lở đất như Đà Lạt, thị trấn Dran. 

Năm 2023, Lâm Đồng ghi nhận 2 vụ sạt lở đất nghiêm trọng như sự cố sạt lở đất, gãy ta luy làm chết 2 người tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, Đà Lạt vào tháng 6).

Ngày 30/7, sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc khiến 4 người chết. Hiện nay trên toàn tỉnh ghi nhận 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn, hơn 160 vị trí có thể sạt lở đất.

Cuối tháng 10/2023, một trận lũ quét đã xảy ra làm lật xe jeep du lịch ở làng Cù Lần (gần Đà Lạt) làm 4 du khách Hàn Quốc tử vong.

Tình trạng ngập lụt đô thị ở thành phố Đà Lạt xảy ra trong vài năm gần đây ngày một nghiêm trọng và với tần suất ngày càng cao.

Năm 2023, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Đà Lạt đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức chủ động phòng chống thiên tai trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng.

lamdong.png
Xây kè phòng chống lở đất tại TP. Đà Lạt.

Rà soát các khu vực có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất để chủ động phòng chống và ứng phó; nâng cao năng lực cảnh báo nhằm tránh sự cố tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Đà Lạt sẽ lắp thiết bị cảnh báo sớm tại các điểm nguy cơ sạt lở, ngập úng.

Người dân có thể dụng mini app "Phòng chống thiên tai Việt Nam", cập nhật nhanh chóng tình hình thời tiết, cảnh báo khẩn cấp về thiên tai tại các địa phương và các kỹ năng phòng chống, ứng phó với từng loại thiên tai. 

Trong kế hoạch phòng chống thiên tai của tỉnh Lâm Đồng từ nay tới năm 2025, địa phương tập trung nhiều giải pháp trong đó có nâng cao năng lực của lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Kiện toàn ban chỉ huy phòng chống thiên tai từ cấp tỉnh tới cơ sở, năng lực phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng.

Lâm Đồng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Phòng chống thiên tai, các văn bản hướng dẫn, các loại hình thiên tai thường xảy ra và phương pháp phòng chống.

Qua đó, người dân sẽ thành ý thức chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội.

Về cơ sở vật chất, Lâm Đồng đầu tư xây dựng hệ thống thông tin theo dõi, cảnh báo, kiểm soát, chỉ đạo ứng phó thiên tai, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo hướng tự động hóa như hệ thống trạm đo mưa tự động chuyên dùng; hệ thống dự báo, cảnh báo lũ lụt, dông sét.

Các giải pháp công trình như các khu có mật độ dân cư cao, các công trình lịch sử, hạ tầng cơ sở quan trọng có thể được bảo vệ bằng hệ thống tường kè bao kết hợp các rãnh thoát nước.

Lắp đặt các hệ thống cảnh báo, đo đạc, ống thu nước ngầm tại các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, xây dựng nhà ở an toàn chống gió lớn, gió giật.

Các địa phương chú trọng xây dựng các trụ sở cơ quan, trường học kết hợp làm nhà tránh trú an toàn khi có bão.

Trong công tác ứng phó với thiên tai, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong chỉ huy, điều hành ứng phó (Công nghệ nhận tin, truyền tin, công nghệ hỗ trợ công tác chỉ huy); đảm bảo lãnh đạo Ban Chỉ huy nhận được bản tin cảnh báo thiên tai qua thiết bị di động; cán bộ văn phòng thường trực và các thành viên nhận, phát tin và chỉ huy qua thiết bị di động, sử dụng app VNDMS,...

Biên soạn tài liệu tuyên truyền, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và người dân trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm địa phương.