Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Theo điều tra về nguồn gen dược liệu Việt Nam hiện nay có 5.117 loài, trong đó có nhiều loại dược liệu quý hiếm. Ngoài ra vốn tri thức về y học cổ truyển của dân tộc có rất nhiều bài thuốc và dược liệu chăm sóc sức khỏe quý và lâu năm.
Lâm Đồng được đánh giá có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành công nghiệp cho năng suất cao, không chỉ phục vụ sức khỏe cộng đồng, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi...
Với lợi thế về địa hình, khí hậu, Lâm Đồng có diện tích rừng khoảng 539 ngàn ha, và 300 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp được phân bố theo các tiểu vùng khí hậu với đặc trưng là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển các chủng loại dược liệu có giá trị dược tính cao.
Theo Danh lục Tài nguyên Dược liệu Lâm Đồng (năm 2012), thực vật làm thuốc có 1.664 loài, thuộc 237 họ thực vật; động vật làm thuốc có 165 loài, thuộc 101 họ động vật; khoáng vật làm thuốc có 21 loại. Tuy vậy, thực vật làm thuốc của Lâm Đồng số lượng thì nhiều nhưng trữ lượng không lớn, giá trị kinh tế không cao, ít cây thuốc có giá trị đặc biệt. Các cây thuốc được di thực trồng tại Lâm Đồng phát triển tốt, nhưng hiện nay nhân dân không trồng, vì sản xuất các loại rau, hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các động vật làm thuốc đa số sống tự nhiên trong rừng núi và có tên trong Sách đỏ Việt Nam, nên việc sử dụng động vật làm thuốc hạn chế.
Gần 50 năm trước, tại Quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Đà Lạt thuộc vùng trung bình có khí hậu á nhiệt đới, cùng với Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), quy hoạch trồng 12 loài dược liệu, bao gồm năm loài bản địa: bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn, ý dĩ và bảy loài nhập nội: actisô, bạch truật, bạch chỉ, dương cam cúc, đỗ trọng, đương quy, huyền sâm, với diện tích 3.150 ha, ưu tiên phát triển các loài bạch truật, đỗ trọng, actisô. Đồng thời, Lâm Đồng là tỉnh nằm trong vùng Tây Nguyên cùng với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Đắc Nông quy hoạch phát triển trồng 10 loài dược liệu, bao gồm các loài bản địa: Gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm ngọc linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ, với diện tích khoảng 2.000 ha, ưu tiên trồng các loài: Đảng sâm, sâm ngọc linh.
Tuy nhiên, do vướng nhiều khó khăn, ngành dược liệu của tỉnh vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng.
Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu tự nhiên cung cấp cho công nghiệp dược và y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh và trong nước ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, trữ lượng ngày càng giảm do không có kế hoạch nuôi trồng, khai thác và bảo tồn hợp lý.
Xác định, giờ là thời điểm vàng để đầu tư, phát triển các vùng dược liệu nhằm góp phần phát triển ngành dược liệu bền vững, giá trị cao, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng dược liệu, đảm bảo chất lượng các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân.
Để biến tiềm năng thành động lực, mới đây, Lâm Đồng đã công bố Đề án Phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
Tại Đề án này, tỉnh đưa ra mục tiêu chung là phát triển ngành dược liệu bền vững, giá trị cao, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, đóng góp khoảng 2-3% trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế rừng góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại.
Đồng thời, Đề án cũng hướng tới việc bảo tồn gắn với khai thác bền vững 24 loài dược liệu bản địa, đặc hữu trong tự nhiên, trên quy mô khoảng 1.250 ha rừng; Diện tích sản xuất dược liệu toàn tỉnh đạt 2.000 ha, diện tích sản xuất, thu hái dược liệu được chứng nhận GACP chiếm 50%; giá trị sản xuất bình quân 1 ha dược liệu đạt khoảng 800-850 triệu đồng/ha.
Hằng năm, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh; có tối thiểu 80% sản lượng dược liệu được sơ chế, chế biến; trong đó: có 50% được tinh chế; hình thành tối thiểu 5 chuỗi giá trị dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển thương hiệu; 30% dược liệu qua chế biến được chứng nhận GMP.
Phát triển thêm 15-20 sản phẩm dược liệu được chứng nhận OCOP, trong đó có 3-5 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao và trên 5 sản phẩm thực phẩm chức năng từ dược liệu được công nhận.
Với cách làm bài bản, với quyết tâm cao phát triển cây dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, chắc chắn tỉnh Lâm Đồng sẽ sớm định vị trên bản đồ ngành công nghiệp dược liệu.