Trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - người rất tâm huyết với sách và đường sách TP.HCM đã có buổi giao lưu chia sẻ với chủ đề: “Làm gì để phố sách, đường sách trở thành địa chỉ văn hoá của thành phố”. 

Đường sách là không gian văn hoá đọc

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, từ lâu sách đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống chúng ta, là chiếc chìa khóa vạn năng mở ra kho tàng kiến thức vô tận của nhân loại, bồi dưỡng tâm hồn cho mỗi người. Không phải vô cớ mà câu nói của George R.R. Martin là một trong những trích dẫn được nhiều người ưa thích, tâm đắc nhất “Người đọc sách sống hàng ngàn cuộc sống trước khi chết. Người không đọc cuốn nào thì chỉ sống có một lần”.

{keywords}
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam người rất tâm huyết với sách và đường sách TP.HCM.

Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) đi vào hoạt động từ năm 2016. Trong năm đầu tiên, nơi đây thu hút khoảng 2.000 lượt khách mỗi ngày, doanh số đạt 26,4 tỷ đồng. Sau 4 năm, số lượng khách tăng lên 8.000 lượt/ngày, doanh số tăng 170%, đạt 44,6 tỷ đồng trong năm 2018. Ông Lê Hoàng thừa nhận đường sách có nhiều thuận lợi như nằm ở vị trí trung tâm, trong quần thể các công trình văn hóa, cảnh quan đẹp.

Tại buổi giao lưu, ông Lê Hoàng đã nêu ra điều kiện cần và đủ để phát triển đường sách, phố sách. 

Theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, có 2 điều kiện cần để phát triển đường sách: Xác định đúng mục tiêu khi đi vào xây dựng đường sách. Đường sách không chỉ là nơi bán sách mà còn là không gian đầy sức sống, không gian trí tuệ đầy văn minh bởi nơi đó diễn ra thường xuyên các hoạt động liên quan tới văn hoá đọc. Hoạt động này thu hút đông đảo công chúng từ đó lan toả tình yêu đọc sách. 

Thứ nữa là cơ chế hoạt động ban hành làm sao để đường sách phát triển. Ông chia sẻ, đường sách TP.HCM lúc đầu tạo cơ chế xã hội hoá, có thể ban đầu chưa thấy cái hay của nó nhưng sau đó mới thấy được rằng chính cơ chế đó làm cho đường sách có sức sống. 

“Tạo điều kiện về cơ sở vật chất (cho một con đường đắc địa ở trung tâm thành phố), khung pháp lý và mô hình, cơ chế hoạt động thích hợp cho sự phát triển lâu dài của đường sách”, ông Lê Hoàng chia sẻ về điều kiện cần. 

Về điều kiện đủ, ông Lê Hoàng cho rằng, phải hội tụ 3 yếu tố: lưu hành nhiều sách đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc bởi các nhà xuất bản, công ty sách có bề dày thương hiệu, uy tín lâu năm với bạn đọc; thường xuyên diễn ra các hoạt động thu hút bạn đọc; không gian có cây xanh bóng mát, môi trường phải yên tĩnh trong lành, xanh sạch, thân thiện với mọi người.

{keywords}
 Đường sách nên đề cao ý phục vụ, không nên đặt nặng kinh doanh, tận thu.

Ông cũng nêu quan điểm đường sách nên đề cao ý phục vụ, không nên đặt nặng kinh doanh, tận thu. “Hoạt động văn hóa đòi hỏi tinh thần phục vụ cao. Trong khi cửa hàng sách gặp khó khăn vì hoạt động phát hành sách online, tại đường sách, lượng sách tiêu thụ, doanh số tăng lại tăng lên. Tôi nghĩ là nhờ hiệu ứng xã hội”, ông Hoàng nói.

Phố sách Hà Nội cần thêm người tâm huyết

{keywords}
Phố Sách tại Hà Nội. 

Ông Nguyễn Cảnh Bình, đơn vị có gian hàng ở cả đường sách TP.HCM lẫn Hà Nội đồng ý với những điều mà ông Lê Hoàng đưa ra. Tuy nhiên, ông Bình nêu cái khó của việc phát triển đường sách ở Hà Nội là bởi về không gian địa lý và cơ chế quản lý.

“Thời tiết Hà Nội rất lạnh và nếu như ở TP.HCM đường sách hoạt động đều đặn 12 tháng trong năm thì ở Hà Nội chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng thói quen đọc sách cũng như các hoạt động văn hoá ở Hà Nội”.

Thứ nữa, ông Bình cho rằng, phố sách 19/12 thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước. Đương nhiên, việc này cũng có mặt thuận lợi nhưng do không phải người làm trong ngành, không hiểu biết về ngành xuất bản, dẫn đến hai bên khó gắn bó, tìm tiếng nói chung. Việc tập trung nhiều đơn vị tồn tại cả mặt tốt và mặt xấu, khi tình trạng “cha chung không ai khóc”, khó có người đứng đầu, thống nhất như trong TP.HCM theo kiểu xã hội hoá.

“Thời tiết không thay đổi được nên quan trọng là con người. Chúng ta cần những người có tâm huyết, hiểu biết về ngành hợp tác, ngồi bàn luận để đưa ra cơ chế vận hành phù hợp”, ông Bình nói. 

{keywords}
Đường sách không chỉ là nơi bán sách mà còn là không gian đầy sức sống, không gian trí tuệ đầy văn minh bởi nơi đó diễn ra thường xuyên các hoạt động liên quan tới văn hoá đọc.

The ông Nguyễn Châu Hùng, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Khánh Hoá, một trong số những khó khăn là văn hóa đọc của người dân còn trầm lắng. Tại thư viện tỉnh, số lượng học sinh, sinh viên đến ngày càng ít. Vì thế, thư viện lãnh đạo tỉnh xây dựng nhiều đề án để khuyến khích thói quen đọc ở thiếu nhi, mong muốn có công viên sách để phụ huynh, học sinh đến, phát triển văn hóa đọc. 

Ông Lê Hoàng cũng nêu quan điểm rằng chúng ta không nên câu nệ bởi cái tên, nếu Hà Nội gọi phố sách, TPHCM gọi đường sách thì Khánh Hoà có thể gọi là vườn sách, công viên sách...bất cứ tên gì phù hợp với văn hoá bản địa đều được và bất cứ địa điểm nào thuật tiện với địa phương. 

Ông Lê Hoàng cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng nhiều đơn vị vì dịch bệnh nhưng vẫn cố gắng lan toả tình yêu đọc sách tới đông đảo bạn đọc cả nước bằng Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 này. 

“Tôi đã từng tham gia 10 hội sách ở TP.HCM trong 20 năm qua. Hội sách 2 năm một lần tổ chức ở Công viên Lê Văn Tám, ngoài bạn đọc ở địa bàn TP.HCM thì có vài địa phương lân cận. Trong cái khó ló cái khôn, tính ra Hội sách online như thế này, tất cả bạn đọc trong cả nước chỉ cần có mạng là có thể tiếp cận được 10.000 đầu sách có chọn lọc được giới thiệu ở đây. Con số thật khổng lồ. Tôi hy vọng dịch đi qua vẫn có những hội sách online và những buổi giao lưu trực tuyến như thế này để lan toả tình yêu đọc sách”, ông Lê Hoàng chia sẻ.

Tình Lê

'Báo chí, xuất bản là vũ khí bảo vệ chủ quyền dân tộc'

'Báo chí, xuất bản là vũ khí bảo vệ chủ quyền dân tộc'

TS.Trần Công Trục khẳng định như vậy trong cuộc giao lưu với độc giả tại Hội sách trực tuyến quốc gia 2020.