Trải qua bao thăng trầm, nghề nuôi ong ở Sơn La đã đạt mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây. Với tổng quy mô đàn ong đạt con số 30.000 đàn, hằng năm sản xuất từ 450 đến 500 tấn mật, 100 tấn phấn hoa, đây thật sự là con số đáng quý và là khối lượng hàng hóa lớn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân Sơn La. Có thể nói, phong trào nuôi ong ở Sơn La không chỉ xóa đói, giảm nghèo, mà bây giờ đã có nhiều mô hình sản xuất lớn, làm giàu thật sự.      

Tận dụng diện tích đất vườn trồng cây ăn quả của gia đình và đồi núi quanh nhà, bà con dân tộc Mông, ở bản Bôm Lầu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn đầu tư nuôi ong theo hướng tự nhiên để lấy mật, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình

{keywords}
Làm giàu nhờ mô hình nuôi ong tự nhiên lấy mật. 

Năm 2010, khi đi thăm họ hàng ở xã vùng cao Long Hẹ (Thuận Châu), thấy bà con nuôi ong rừng tự nhiên, ông Thào A Chớ  ở bản Bôm Lầu đã mang 1 tổ ong về nuôi thử nghiệm. Qua thực tế ông nhận thấy, việc nuôi ong không tốn nhiều công chăm sóc, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, vì vậy đến năm 2015, ông mua thêm 45 tổ ong về nuôi. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nên ong thường hay bị bệnh, chết rét, rời tổ...

Không nản, ông Chớ quyết tâm học hỏi kỹ thuật qua các kênh thông tin báo, đài; đi tham quan nhiều mô hình nuôi ong trong huyện, trong tỉnh. Đồng thời, tham gia các lớp tập huấn phương pháp, kỹ thuật nuôi ong. Nhờ đó, ông đã tích lũy được kinh nghiệm chăm sóc, tách đàn để nhân rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông Chớ có 120 tổ ong rừng tự nhiên, một năm thu hai vụ, từ 10 -15 kg mật/tổ/vụ, giá bán trên 100 nghìn đồng/kg mật ong. Mỗi năm, gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng. Từ kết quả thu được qua nuôi ong, ông Chớ đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp con giống cho 8 hộ dân trong bản cùng tham gia nuôi, nâng tổng số tổ ong trong bản lên hơn 300 tổ.

Nhờ nuôi ong lấy mật hiệu quả, gia đình ông Chớ đã có cuộc sống ổn định, có điều kiện mua sắm những đồ dùng đắt tiền để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Theo đánh giá, tiềm năng phát triển nghề ong ở Sơn La còn rất lớn. Hiện nay mới khai thác được một phần nhỏ nguồn hoa thiên nhiên rất phong phú và đa dạng. Ðặc biệt, trong chương trình chuyển đổi sản xuất, phát triển cây con hàng hóa, những năm tới đây Sơn La còn mở rộng trồng cây cao-su, cà phê, chè,... sẽ  bổ sung nguồn hoa lớn để nghề nuôi ong phát triển. Tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm ong Sơn La, với mật chất lượng cao, phấn hoa, sữa ong chúa, ấu trùng ong đực,... trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Phát triển nghề nuôi ong không chỉ là dịp quảng bá sản phẩm, giới thiệu Sơn La ra bên ngoài, mà còn góp phần phát triển kinh tế, cải thiện môi trường sống bền vững.

Ông Lường Văn Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, mật ong Bôm Lầu được người tiêu dùng rất ưa chuộng, bởi chất lượng rất tốt, gần giống như mật ong rừng và mật ong đá. Các thương lái thường đến tận nơi để mua với giá cao hơn nhiều so với giá các loại mật ong nuôi khác. Tới đây, xã sẽ nhân rộng thêm mô hình nuôi ong này ra các hộ và các bản lân cận khác có địa hình phù hợp để nuôi ong tự nhiên, giúp bà con tận dụng lợi thế đồi núi, vườn cây ăn quả của gia đình có thêm thu nhập.

“Tới đây xã sẽ có kiến nghị để giúp cho các hộ nuôi ong vay thêm vốn, đầu tư mở rộng thêm đàn, tăng thêm thu nhập. Xã cũng sẽ có kiến nghị với Hội nuôi ong của tỉnh Sơn La để kỗ trợ thêm về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi ong yên tâm hơn”, ông Tỉnh cho biết.

Biết phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu và chiụ khó học hỏi, việc làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình bà con dân tộc thiểu số vùng cao Sơn La đang từng bước giảm nghèo bền vững.

Hồng Liên