{keywords}
 

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh mất “chiếc loa” quyền lực nhất của mình khi bị cấm cửa trên Facebook, Twitter từ đầu năm. Ông phải sử dụng các công cụ truyền thông truyền thống để gửi đi thông điệp tới mọi người thay vì mạng xã hội. Dù vậy, ông được cho là muốn ra mắt nền tảng riêng để thoải mái nói những gì mình thích.

Tổng thống Trump không phải người duy nhất muốn tham gia cuộc chơi này. Vài tháng gần đây, nhiều “tân binh” ồ ạt xuất hiện. Năm 2020, TikTok cán mốc 100 triệu người dùng tại Mỹ bất chấp bị chính quyền gây khó dễ. Mạng xã hội Clubhouse cũng hưởng lợi nhờ Covid-19. Các trang như Gab, Parler nổi lên như thiên đường dành cho người theo chủ nghĩa cực đoan.

Làm thế nào để xây dựng một mạng xã hội thành công trong năm 2021? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Thách thức với các doanh nhân thời đại mới khác hẳn so với những ngày Mark Zuckerberg viết Facebook từ ký túc xá của mình.

Khi ấy, ý tưởng về mạng xã hội mới manh nha, MySpace vẫn là nền tảng thống trị, còn iPhone thậm chí chưa ra đời. Các tính năng ban đầu của Facebook đều đơn sơ, “tự tay làm hết”. Vượt qua trở ngại kỹ thuật, những công ty như Facebook, Twitter tận hưởng lợi thế rõ rệt: họ là kẻ đi đầu trong một mặt trận hoàn toàn mới, giúp họ dễ dàng thu hút người dùng và xây dựng nền tảng khổng lồ.

Ngày nay, thời thế đảo ngược. Tiến bộ công nghệ giúp xây dựng một website và chức năng mạng xã hội cơ bản vô cùng dễ. Song sự thống trị của những mạng xã hội lớn khiến “lính mới” khó xâm nhập và gây ảnh hưởng. Nhà đầu tư thiên thần Evan Burfield cho rằng chỉ cần 2 ngày, ông có thể tuyển ai đó và làm ra một mạng xã hội đầy đủ chức năng.

Bất kỳ ai dùng mạng xã hội trong 5 năm qua đều biết tính năng cần có của một dịch vụ: đăng bài, bình luận, “thả tim”, thêm ảnh, video. Tất cả đều là tính năng tiêu chuẩn.

Theo Charlie O'Donnell - nhà sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Brooklyn Bridge, với phần mềm plug-and-play (cắm và chạy), làm một bản sao Facebook tốn chưa tới 25.000 USD. Thay vì lương kỹ sư, phần lớn chi phí của nền tảng mạng xã hội mới lại dành cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Người dùng càng đông, chi phí càng lớn. “Nếu có hàng chục triệu người dùng, bạn dễ phải trả hơn 1 triệu USD/tháng cho lưu trữ, băng thông”.

Dịch vụ đám mây Amazon Web Services đưa ra ưu đãi cho các startup mới chớm, đó là không cần trả tiền ngay. Họ cũng cung cấp “tín dụng” để hỗ trợ chi phí một số startup đủ điều kiện thiết lập và vận hành.

Tuy nhiên, thách thức lớn hơn đó là xác định phục vụ sản phẩm nào và giải thích vì sao mạng xã hội của bạn lại độc nhất vô nhị, đáng để dành thời gian. Mỗi doanh nghiệp lại đối mặt với một phiên bản khác nhau của câu hỏi này. Ai là khán giả bạn muốn tiếp cận? Nó muốn giải quyết vấn đề nào? Làm thế nào để nó mang đến trải nghiệm phong phú hơn? Bạn đang hướng tới thị trường ngách nào, làm sao để tạo ra sự tương tác cần thiết để thành công?

Với các ứng dụng như Clubhouse, câu trả lời nằm ở cách tiếp cận mà nó cung cấp cho giới tinh hoa Silicon Valley – những nhà đầu tư, nhà sáng lập muốn mở đường cho Facebook, Google tiếp theo. Các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) và nhà sáng lập là những người đầu tiên được mời sử dụng Clubhouse. VC giống như người nổi tiếng, ai cũng muốn tham gia vào các mạng xã hội có mặt VC.

Sở hữu ý tưởng hay và được nhà đầu tư hậu thuẫn không đồng nghĩa với thành công về mặt thương mại.

Theo dõi Facebook, Instagram, YouTube, Spotify… dần thống trị thị trường, vấn đề lớn nhất với các doanh nhân mạng xã hội chính là kéo người dùng ra khỏi những ông lớn này.

Facebook kiểm soát vài nền tảng lớn nhất thế giới, bao gồm Instagram và WhatsApp. Sản phẩm chủ lực của hãng có tổng cộng 1,8 tỷ người dùng hàng ngày. Twitter có 192 triệu người dùng hàng ngày. Bất kỳ startup mới nào cũng khởi đầu từ con số nhỏ bé hơn nhiều.

Khi ai đó tải về ứng dụng mới, họ mở nó ra xem thử vài giây. Vài giây ấy có ý nghĩa quyết định trong việc giữ chân họ được hay không. So với những ngày đầu của mạng xã hội, đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi.

Giả định có nền tảng nào đó thực sự cất cánh, sau đó sẽ vấp phải hàng loạt rắc rối khác, chẳng hạn hệ thống bảo đảm dữ liệu người dùng mà nó thu thập được. Nó phải thuê luật sư để đào bới chính sách quyền riêng tư nhằm chắc chắn tuân thủ với quy định trong nước và quốc tế, trong bối cảnh nhà lập pháp khắp thế giới đang kêu gọi kìm cương ngành công nghệ. Tiếp đó là những câu hỏi về ổn định tài chính và cuối cùng là lợi nhuận.

Một số trang như Gab, Parler tự giới thiệu là “tự do ngôn luận” hơn các nền tảng khác song lộ trình kiếm tiền gập ghềnh hơn nhiều. Mô hình kinh doanh của Parler xoay quanh quảng cáo nhưng tranh cãi gần đây về phát ngôn chính trị - đặc biệt sau khi bị đá khỏi chợ ứng dụng Amazon, Apple, Google – khiến các thương hiệu e ngại.

Nếu ra mắt mạng xã hội riêng, ông Trump sẽ trải qua những điều tương tự, ngay cả khi có lượng người hâm mộ đông đảo. Theo Burfield, thách thức không nằm ở việc tạo ra mạng xã hội hay lôi kéo hàng triệu người sử dụng mà là liệu cựu Tổng thống Mỹ có thể biến nó thành doanh nghiệp sinh lợi hay không.

Du Lam (Theo CNN)

Ông Trump sẽ “định nghĩa lại cuộc chơi” với mạng xã hội mới

Ông Trump sẽ “định nghĩa lại cuộc chơi” với mạng xã hội mới

Sau 2 tháng bị “bay màu” trên hầu hết các mạng xã hội chính thống, cựu Tổng thống Donald Trump đang ấp ủ tự ra mắt một nền tảng của riêng mình.