- Trước khi trả lời câu hỏi của các đại biểu QH ở lần đầu đăng đàn sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo đầy đủ về điều hành KTXH, trong đó nói rõ hướng tái cơ cấu các tập đoàn và xử lý sai phạm thời gian qua.
>> Sai phạm Vinalines: Không thể từ chối trách nhiệm
>> Sai phạm Vinalines, Bộ không nắm được gì
>> Không ai chịu trách nhiệm, sẽ còn Vinalines khác
Một trong những nội dung được ông Nguyễn Xuân Phúc đề cập trong báo cáo được cử tri và đại biểu QH quan tâm là về doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Báo cáo khẳng định tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ.
Sau khi nhắc lại vai trò và đóng
góp quan trọng cho ngân sách của DNNN, cũng như việc đa số tập đoàn, tổng công
ty hoạt động có lãi, Phó Thủ tướng thừa nhận vẫn còn nhiều DNNN hoạt động trong
những ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể làm được và hiệu quả
hơn; hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn
lực được phân bổ; quản trị doanh nghiệp đổi mới chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát
triển của kinh tế thị trường.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Một số tập đoàn, tổng công ty
chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;
một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản
nhà nước, đất đai còn thấp; một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty tiêu cực,
lãng phí, vi phạm pháp luật. Sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám
sát của các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các
sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí tại các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng
công ty, kể cả điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh
lạm phát và lãi suất tăng cao, thắt chặt tiền tệ và đầu tư để chống lạm phát,
thị trường bị thu hẹp, nhiều tập đoàn và tổng công ty đang đứng trước rất nhiều
khó khăn.
Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về quản lý đối với DNNN nhưng nhiều cơ chế
còn chưa khả thi, chưa đồng bộ, chưa phân định thật rõ trách nhiệm trong thực
hiện quyền quản lý của chủ sở hữu; công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa
cao, việc phát hiện và xử lý các vi phạm còn chậm.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém trên đây, nhằm nâng cao hiệu quả
quản lý DNNN nói chung và tập đoàn, tổng công ty nói riêng, Chính phủ sẽ tiếp
tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty
trong đó cổ phần hóa là giải pháp quan trọng; kiên quyết thoái vốn khỏi ngành
nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính; gắn tái cơ cấu DNNN với tái cơ
cấu nền kinh tế. Cơ cấu lại một số tập đoàn và tổng công ty hiện có cho phù hợp
với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ; nghiên cứu ban hành Nghị định riêng về nhiệm
vụ, tổ chức và cơ chế hoạt động của từng tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan
trọng.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ
sở hữu nhà nước bảo đảm thực hiện thường xuyên, có hiệu quả việc theo dõi, giám
sát, kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản
lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và việc chấp hành quy định pháp luật trong
quản lý, điều hành doanh nghiệp của các cán bộ quản lý; có mô hình phù hợp, hiệu
quả để thực hiện được nhiệm vụ này. Trước mắt, bổ sung, sửa đổi Nghị định hiện
hành để quy định cụ thể hơn việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ
của chủ sở hữu đối với các tập đoàn và tổng công ty.
Ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan
thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; tăng cường trách nhiệm người
đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN; hoàn thiện cơ chế
người đại diện phần vốn nhà nước; xây dựng cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù
hợp; thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên hội đồng quản trị, hội
đồng thành viên.
Hàng năm đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở
hữu đối với doanh nghiệp, trong đó chú trọng làm rõ trách nhiệm của từng cơ
quan, từng DNNN, đặc biệt là của Bộ quản lý ngành và cá nhân người đứng đầu cơ
quan, doanh nghiệp. Thông qua cơ chế theo dõi, kiểm tra và giám sát chặt chẽ,
công khai, minh bạch sẽ kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm minh các
sai phạm theo quy định của pháp luật.
Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh và
thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao đối với DNNN.
Về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), ông Nguyễn Xuân Phúc cho hay
những hạn chế, yếu kém trong tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh cùng những
sai phạm của lãnh đạo Tổng công ty không thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng và
quy định của pháp luật, gây lãng phí, thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước
mới được phát hiện gần đây đang là vấn đề gây bức xúc, được Quốc hội và nhân dân
quan tâm. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ,
nhất là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan để xử lý
nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ Vinalines, tập trung vào
3 lĩnh vực chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải, đẩy mạnh cổ
phần hoá, củng cố về tổ chức, nhân sự, nâng cao năng lực quản trị, điều hành;
thoái vốn tại những đơn vị không cần nắm giữ để tập trung vốn vào ngành nghề sản
xuất kinh doanh chính; rà soát tổng thể các dự án đang và sẽ đầu tư để cơ cấu
lại cho phù hợp điều kiện thị trường, khả năng tài chính, đầu tư có hiệu quả hơn
cả trong ngắn hạn và dài hạn. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan
hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để Tổng công ty ổn định và phát triển sản xuất kinh
doanh, từng bước thực hiện tốt vai trò trong phát triển kinh tế biển.
Nội dung trả lời chất vấn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
P.Loan - X.Linh - T.Chung - Ảnh: Q.Khánh