- Gần đây, mỗi khi có vụ tai nạn, những bức ảnh chụp tại hiện trường hay những clip ghi lại hình ảnh nơi xảy ra vụ việc cho thấy luôn có một số không ít người đứng nhìn, quay phim, chụp ảnh. Trong số đó đa phần là những người rất trẻ.
Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đưa ra trong hội thảo đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục đạo lý dân tộc và ý thức công dân cho học sinh (HS) THPT TP.HCM diễn ra cuối năm 2015, thì một trong những kết quả đáng chú ý là học sinh đang sống vô cảm, thiếu nhân ái.
Hành xử ra sao khi thấy người bị nạn? |
Thì điều đáng buồn nữa là 37,6% các em sống thiếu nhân ái, vô cảm, 42,9% HS thiếu ý thức trách nhiệm công dân, không tự giác chấp hành pháp luật.
PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM, nhận xét việc giáo dục pháp luật, đạo đức trong nhà trường còn nhiều hạn chế và bất cập, chưa tác động đến nhận thức HS.
Khi yêu thương mới chỉ dạy hời hợt
Vậy thì tình thương đang được dạy trong các trường phổ thông như thế nào, để dẫn tới một tỉ lệ khá lớn học sinh bị cho là “sống thiếu nhân ái, vô cảm” như vậy?
Chị T.V, giáo viên một trường tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: Nếu muốn dạy học sinh biết yêu thương thực sự thì phải thay đổi ngay cách dạy như hiện nay.
“Mục đích, nội dung dạy cho học sinh biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ thì vẫn có, nhưng phương pháp dạy học chưa tới” - chị T.V nhận xét và lý giải.
“Lý do là học sinh không có thực tế, hoặc chỉ được thực hành một cách hời hợt, qua loa. Ví dụ như việc làm từ thiện. Tôi thấy các trường quốc tế có điều kiện đưa học sinh xuống tận bệnh viện, trao quà tận tay cho các bạn là bệnh nhân, các em mới ngấm. Còn ở trường bình thường chỉ ra rả như cuốc kêu, gọi học sinh đóng góp là một cách dạy không thiết thực chút nào, vì học sinh chẳng biết góp xong tiền đến với ai”.
Theo PGS.TS Nguyễn Công Khanh, 10 giá trị sống rất quan trọng, không thể thiếu hụt ở lứa tuổi học sinh bao gồm: Giàu tình yêu thương, trung thực, biết quan tâm đến người khác, ham học hỏi, siêng năng, sống tôn trọng pháp luật, yêu hòa bình, biết nhận lỗi và biết tha thứ, sống chủ động tự tin, chấp nhận thử thách và luôn vượt khó. |
Một ví dụ khác được cô T.V liệt kê là chuyện quyên góp quần áo cũ. Học sinh bây giờ thừa mứa quần áo, quần áo cũ không mặc nữa mà không quyên góp rồi cũng bỏ đi, rất lãng phí. Nhưng học sinh mang đến cũng bỏ đấy rồi xe phầm phập đến chở đi, thế là góp cho xong. Nên học sinh cứ vô cảm dần là vì vậy”.
Chị T.V cho rằng, thay vì những việc làm hình thức như thế, nếu xét về góc độ hiệu quả giáo dục, chẳng cần quyên góp đâu xa mà nhà trường cứ liên kết với những cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, người già, người neo đơn ngay trên địa bàn, cho các em xuống tận nơi mà nhìn những cảnh khốn khó, khổ cực...sẽ lay động tình cảm các em hơn?
Không phải thói quen làm gì cũng so đo
Ở góc khác, cô H.L giáo viên tiểu học ở Hà Nội nhìn nhận sự vô cảm đang lan tràn trong học sinh, phần nào cũng chính từ giáo viên.
“Đúng là nhà trường làm chưa tới, nhưng còn tác động từ xã hội, như luật pháp chưa được thực hiện nghiêm minh mọi lúc, mọi nơi. Cứ cho các cô giáo đi ra ngoài thật nhiều vào, “phạt” các cô thật nhiều vào, ví dụ cô giáo vượt đèn đỏ cứ phạt nặng, cho cô tức khí lên mà về dạy học sinh cho kỹ”.
Cô H.L tâm sự, “Buồn nhất là học sinh của mình, năm lớp 1 mình dạy, nó yêu quý mình bao nhiêu, cô tặng cho cái dây đeo ngay lên cổ vì sợ mất. Nhưng tới lớp 5, vẫn học trong trường mà khi gặp - nó nhìn mình một cách vô cảm. Mình phải chào trước rõ to “Cô chào em” nó mới chào lại. Nhưng đấy là mình, còn các cô giáo khác thì nó lờ - các cô cũng lờ nó luôn, làm như vậy chả phải là tiếp tay cho cái sự vô cảm của nó?”.
“Chương trình chưa đủ, không thiết thực mà nhiều giáo viên cũng chỉ dạy như sách hướng dẫn chứ không mở rộng thêm. Vì vậy, có thể nói cách dạy đạo đức, giá trị sống cho học sinh hiện nay là có dạy nhưng không ngấm” – cô H.L đặt vấn đề.
Bà Trish Summerfield, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Giá trị sống tại Việt Nam: “Giá trị sống là sống với từng giá trị chứ không phải chỉ là nói về các giá trị đó. Giá trị là gốc còn kỹ năng chỉ là phần ngọn. Vì vậy, dạy về giá trị sống là dạy cái gốc rễ của cuộc sống, là dạy cho mọi người sống với nhau bằng tình yêu thương và sự tôn trọng”. |
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng nhận xét rằng về cơ bản các nhà trường đều có ý thức giáo dục chống sự vô cảm. Các giá trị yêu thương, tôn trọng mọi người đều có. Nhưng từ chủ trương tới việc thực hiện có khác nhau.
Sự vô cảm thành thứ trào lưu, thói quen của số đông. Sự hiếu kỳ, muốn thông tin nhanh, lại sẵn điện thoại, do quán tính… mà dẫn đến việc đứng nhìn chứ không thực hiện trách nhiệm của một công dân là cứu người bị hại như ta thấy hiện nay.
Ông Lâm cho rằng trong chương trình phổ thông đều có dạy về tình yêu thương, giá trị sống. “Nhưng việc này phải được nhắc đi nhắc lại ở các bậc học, phải thực hành các hành vi để tạo thành thói quen. Bởi nếu không phải thói quen làm gì cũng gượng gạo, cũng tính toán so đo” – ông Lâm khẳng định. “Còn khi thói quen tôn trọng, cảm ơn, giúp đỡ… được hình thành, thì mọi việc trở thành bình thường, thành nhu cầu trong cuộc sống.
Ông Lâm cũng đồng tình với các giáo viên khi cho rằng chương trình phổ thông hiện nay giáo dục kiến thức hơi nhiều. Nhiều hiệu trưởng cũng thiếu ý thức làm, chỉ chờ trên Bộ bảo gì làm nấy. Tôi hy vọng trong chương trình mới có nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, sẽ bớt lý thuyết để đưa những trải nghiệm cuộc sống thực sự tới với mỗi học sinh”.
Phương Chi