Ý tưởng về xếp hạng và phân tầng đại học là hợp lí, nhưng trong bối cảnh VN tôi nghĩ còn quá sớm để thực hiện. Còn rất nhiều vấn đề về tiêu chí xếp hạng và thiếu dữ liệu đòi hỏi nhiều nghiên cứu trước khi đem ra áp dụng.

Các đại học Việt Nam, cũng như ở các nước khác trên thế giới, rất khác biệt về lịch sử ra đời, qui mô đào tạo, số sinh viên, ngành nghề đào tạo, chất lượng giảng viên, năng lực và chất lượng nghiên cứu. Có những đại học được thành lập chưa đầy 10 năm, nhưng cũng có đại học có lịch sử hơn 100 năm. Có đại học đa ngành, nhưng phần lớn là các đại học chuyên ngành. Những khác biệt đó có thể có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, đối với học sinh, sinh viên và phụ huynh có nhiều lựa chọn, dù biết các đại học không có chất lượng như nhau, nhưng việc chọn trường đại học vẫn là một vấn đề nan giải. Bởi các đại học của Việt Nam chưa có tên trong các bảng xếp hạng đại học trên thế giới.

Như vậy, dùng tiêu chí gì để đánh giá chất lượng? Tiêu chí đó độ tin cậy và chính xác bao nhiêu? Ai là người đề ra những tiêu chí đó? Đó là một số câu hỏi trong hàng chục câu hỏi về xếp hạng đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo về "Qui định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học". Theo Dự thảo, các đại học ở Việt Nam sẽ được xếp thành 5 hạng, dựa trên 15 tiêu chí. Tuy nhiên, xem qua 15 tiêu chí đó, tôi thấy còn nhiều điểm khó thuyết phục, do cách viết có khi rất khó hiểu, nhưng quan trọng hơn là tính đơn giản, trùng lắp, và không bám sát mục tiêu của việc xếp hạng đại học.

Mục tiêu của xếp hạng đại học, thành thật mà nói, chưa được phát biểu một cách cụ thể và dễ hiểu. Cách viết vẫn theo lề lối cũ, tức là chung chung và rất dài dòng, cố gắng bao quát những tiểu tiết không cần thiết. Tuy nhiên, từ những đoạn có thể đọc được, có thể hiểu rằng mục tiêu của xếp hạng đại học nhằm "đánh giá năng lực, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở GDĐH một cách khách quan".

Một mục tiêu khác là xếp hạng đại học nhằm giúp cho Nhà nước "đầu tư phù hợp; tạo sự cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống." Dù mục tiêu được phát biểu có liên quan đến đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhưng tất cả 15 tiêu chí xếp hạng chỉ liên quan đến nghiên cứu khoa học hay năng lực nghiên cứu khoa học. Do đó, có thể nói rằng các tiêu chí đề ra rất khó cho phép đánh giá khách quan về đào tạo.

Tính đơn giản của các tiêu chí do Bộ GDĐT đề ra là ở sự "nhị phân hoá" các yếu tố mang tính liên tục. Có thể lấy tiêu chí về trình độ giảng viên làm một ví dụ minh hoạ. Theo đề nghị, trường đại học có "Ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sĩ" là một tiêu chí xếp hạng. Nói cách khác, tiêu chí này chỉ có 2 giá trị: có hay không. Nhưng trong thực tế, con số tỉ lệ giảng viên và nhà nghiên cứu tính trên tổng số là một biến số liên tục.  Vì tính liên tục của biến số, nên việc cắt thành 2 giá trị "có" hay "không" (hoặc  "cao" hay "thấp") là một ý tưởng rất... dở.

Dở là vì mang tính máy móc, công thức. Nếu trường A có tỉ lệ 41% và trường B có tỉ lệ 39,5%, tức cả hai trường trong thực tế đều có tỉ lệ xấp xỉ 40%, chẳng lẽ hai trường được xếp vào hai nhóm khác nhau. Rất nhiều các tiêu chí xếp hạng đều bị "nhị phân hoá" như thế. Tính phi khoa học nằm ở chỗ đơn giản hoá một yếu tố phức tạp.

Có tiêu chí rất khó hiểu và có thể gây ra tranh cãi. Chẳng hạn như tiêu chí "Số chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu chiếm hơn 60% tổng số các chương trình đào tạo của trường." Chưa nói đến con số 60% là sản phẩm của tư duy nhị phân hoá, vấn đề quan trọng hơn là cách hiểu thế nào là "định hướng nghiên cứu".

Ở nước ngoài, các chương trình đào tạo tiến sĩ và một số chương trình đào tạo thạc sĩ là nghiên cứu, có nghĩa là sinh viên không theo học các khoá học mà dành toàn thời gian cho nghiên cứu trong một lab của đại học. Nhưng cũng có một số chương trình đào tạo thạc sĩ theo cách thức "course work", tức vẫn theo học một số khoá học. Ở VN rất nhiều trường đại học dù đào tạo tiến sĩ nhưng không có lab nghiên cứu đúng nghĩa, và theo cách hiểu nước ngoài thì không phải là "định hướng nghiên cứu".

{keywords}
Ảnh minh họa

Có hai tiêu chí mà tôi nghĩ là thiếu thực tế. Đó là tiêu chí 40% giảng viên và nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ. Đây là một yêu cầu khá cao. Hiện nay, tỉ lệ giảng viên trong các đại học VN có bằng tiến sĩ chỉ 14-15%. Ngay cả các đại học lớn nhất nước như hai đại học quốc gia, theo tôi biết, tỉ lệ giảng viên và nhà nghiên cứu có bằng tiến sĩ cũng chỉ đạt con số 25% mà thôi.

Ngay cả ở Úc, sau cả trăm năm xây dựng hệ thống đại học, con số giảng viên có trình độ tiến sĩ cũng chỉ 50-55%. Do đó, yêu cầu mà Bộ GDĐT đặt ra là quá tầm của các đại học hiện nay. Vả lại, dường như chúng ta không thấy có cơ sở khoa học nào để đặt ra con số tiêu chuẩn 40% đó cả.

Một tiêu chí khác là "Ít nhất 25% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư" cũng có thể bàn thêm vì sự tuỳ tiện và quá cao. Ở Úc, tỉ lệ giảng viên có chức danh GS và PGS hiện nay là 26%. Ở VN, theo thống kê của Bộ GDĐT, tính chung tỉ lệ giảng viên đại học có chức danh GS/PGS là khoảng 5%. Ngay cả hai đại học quốc gia chỉ có khoảng 6-7% giảng viên có chức danh GS/PGS. Do đó, con số 25% giảng viên là GS/PGS do Bộ GDĐT đề ra rất chênh và rất xa so với thực tế. Với tiêu chuẩn này, không có một đại học VN nào có thể đạt tiêu chuẩn là "đại học định hướng nghiên cứu".

Có thể nói rằng đại đa số các tiêu chí đại học định hướng nghiên cứu chỉ quan tâm đến phần "đầu vào" (input), và chỉ có một tiêu chí liên quan đến "phần ra" (output). Chẳng hạn như tiêu chí qui định rằng "Hằng năm công bố ít nhất 50 bài báo, công trình nghiên cứu kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI, SCI" là một vấn đề cần phải xem xét lại, vì sự tuỳ thuộc vào số lượng nhân sự.

Ai cũng biết rằng số bài báo khoa học phụ thuộc vào số giảng viên và nhà khoa học cơ hữu. Do đó, trường lớn có nhiều công bố khoa học hơn trường nhỏ là điều không ngạc nhiên. Đáng lí ra, tiêu chí này phải điều chỉnh cho số giảng viên và nhà khoa học mà trường có thì sẽ hợp lí hơn.

Một điểm đáng chú ý là tiêu chí này cũng mang tính số lượng, chứ chưa quan tâm đến chất lượng. Trong nghiên cứu khoa học, chất lượng còn quan trọng hơn số lượng. Như là một qui luật trong khoa học, một bài báo được công bố trên tập san có uy tín cao (phản ảnh qua chỉ số tác động - impact factor) có giá trị hơn nhiều so với nhiều bài trên những tập san "làng nhàng". Do đó, vấn đề không chỉ là công bố khoa học, mà còn là công bố trên những tập san nào và mức độ tác động của nghiên cứu.

(Còn tiếp)

Nguyễn Văn Tuấn