Trong bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về Đưa xu thế thời đại vào ngành sách, tôi chú ý tới một chi tiết: xã hội không đọc ít đi, xã hội chỉ đọc sách ít đi. Khi nền tảng số xâm nhập vào cuộc sống hiện đại thì mọi lĩnh vực đều phải chuyển mình để phù hợp với cuộc cách mạng mới của loài người, trong đó sách cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta không thể tiếc nuối quá khứ, chúng ta chỉ có thể thay đổi để phù hợp hơn với thời đại.

{keywords}
Bà Trần Hải Ngọc- PGĐ Đinh Tị Books.

Với số liệu thống kê có đến 82% các nội dung online hiện nay là hình ảnh trên các trang báo điện tử, trang tin, trang mạng… chúng ta có thể thấy lĩnh vực truyền thông thông tin nói chung của thế giới tự nó đã thay đổi để phù hợp với thời đại công nghệ số hiện nay.

Trong lĩnh vực sách, từ thập kỷ trước, chúng ta có thể thấy sự thay đổi bắt đầu đến từ việc các phương tiện đọc tiện lợi ồ ạt được cho ra đời, bắt đầu bằng ebook, sau đó là sách nói, các sản phẩm review sách bằng video, bằng YouTube hay các ứng dụng kết nối xã hội. Người làm sách ở Việt Nam cũng không đứng ngoài sự thay đổi ấy. Chúng ta cũng đã học hỏi, hội nhập và dịch chuyển nhưng tất cả những sự dịch chuyển này chưa phải là sự thay đổi từ cốt lõi. 

Vậy, sự thay đổi cốt lõi là gì? Sự thay đổi cốt lõi đến từ chính những sản phẩm của chúng ta. Câu hỏi Bộ trưởng đặt ra cho những người làm sách về việc chúng ta đã tính đến việc in cỡ chữ bao nhiêu, chất liệu giấy như thế nào để phù hợp với người đọc sách là một câu hỏi đã có lời giải. Bởi với những người làm sách thì đó là những điều căn bản bắt buộc phải học và nắm bắt được trước khi thực hiện một sản phẩm sách. Mới chỉ khoảng 10 năm về trước, chúng ta vẫn quen rằng, hình thức truyền tải nội dung sản phẩm sách đến người đọc của các cuốn sách đều giống nhau, bằng chữ.

Chúng ta cũng được ấn định hoặc bằng một cách nào đó trong tiềm thức, chúng ta ấn định rằng “đọc sách” là một sự việc tĩnh, trong đó chỉ có trí não làm việc với các con chữ. Nhưng ngày nay chúng tôi đang cố gắng làm tăng sự phong phú trong tiềm thức của mỗi chúng ta bằng cách tạo thêm sự lựa chọn cho người đọc bằng những cách đọc khác nhau. Chúng ta không chỉ đọc, chúng ta sẽ được trải nghiệm sự đọc với các giác quan khác của cơ thể; và khi không muốn “đọc bằng đủ các giác quan khác nhau” nữa, chúng ta vẫn có thể đọc cuốn sách đó theo cách thông thường nhất, truyền thống nhất như cách bao đời nay mà ta đã từng trải nghiệm là bằng mắt.

Chúng tôi không thay đổi cách đọc, chúng tôi tăng thêm sự lựa chọn tiếp cận thông tin cho người đọc trên chính sản phẩm đó mà không cần có sự hỗ trợ của một sản phẩm đi kèm nào khác. Đó là cách mà chúng tôi làm.

Trong lĩnh vực sách thiếu nhi hiện nay ở Việt Nam, khoảng 5-7 năm trở lại đây Đinh Tị là đơn vị đã có những vận động và thay đổi từ cốt lõi, đó chính là sự thay đổi sản phẩm của mình để phù hợp với thời đại “ít đọc”, “cần trải nghiệm”, “cần sống động” và “có sức hút ngay lập tức” của nhu cầu hiện đại.

Việc thay đổi từ lõi sản phẩm này của chúng tôi bắt đầu với thế hệ người đọc nhỏ tuổi nhất: thế hệ 0 tuổi. Trẻ con ngày trước chỉ có duy nhất một trải nghiệm với sách, đó là đọc sách chữ hoặc một hình thái khác, là đọc sách tranh, tất nhiên, đó là những trải nghiệm hạnh phúc. Hạnh phúc là bởi ở thời điểm đó chúng ta không có lựa chọn khác. Chính vì vậy khi công nghệ số ồ ạt phát triển những phương tiện hiện đại vừa rẻ vừa hấp dẫn vừa dễ dàng tiếp cận đã khiến cho sách bị đưa vào tình thế phải cạnh tranh khốc liệt. Nếu như không thay đổi từ vấn đề cốt lõi là chính những sản phẩm của mình thì chúng ta không còn cách nào khác nữa.

Người làm sách trong giai đoạn này không chỉ phải tự làm mới mình cho phù hợp với thời đại công nghệ số, phải thay đổi sản phẩm để tăng hiệu quả bán hàng, lại còn phải chiến đấu với vấn nạn sách lậu đã tồn tại hàng chục năm nay ở Việt Nam. Với sách lậu, người làm sách cần sự thay đổi rốt ráo từ phía các ban ngành chức năng, việc chiến đấu với sách lậu và xâm phạm bản quyền sách hiện nay ở Việt Nam gần như là cuộc chiến đơn độc của những người làm nghề, chưa tìm được giải pháp thích hợp.

Việc “tăng độ khó nếu muốn làm lậu sản phẩm” cũng là một cách mà chúng tôi hiện nay đang áp dụng để chiến đấu với vấn nạn này. Tuy nhiên, với câu hỏi đặt ra là làm thế nào để lĩnh vực xuất bản nói chung và xuất bản sách nói riêng ở Việt Nam chuyển mình và có thể bán được hàng chục ngàn, thậm chí hàng triệu bản sách của mỗi cuốn sách, thì có lẽ nỗ lực của những người làm nghề, những công ty sách, những đơn vị xuất bản nói chung là chưa đủ. Sự nỗ lực thay đổi cần đến từ tất cả chúng ta.

Trần Hải Ngọc - PGD Đinh Tị Books

Đưa xu thế thời đại vào ngành sách

Đưa xu thế thời đại vào ngành sách

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng với ngành xuất bản, về chiến lược phát triển trong 5 năm tới.