Người làm thật bị vạ lây

Hiện nay, trên thế giới đang rất nỗ lực nghiên cứu để áp dụng mô hình Quang nông (APV - Agriculture Photovoltaic), sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất điện mặt trời). Từ khi có chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, nhiều trang trại nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã dồn dập đầu tư loại hình này. Đây là một hướng phát triển phù hợp với xu hướng của thế giới, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.

Thế nhưng, trên thực tế, có nhiều nhà đầu tư chỉ lợi dụng việc làm nông nghiệp để bán điện mặt trời. Trên mảnh đất chỉ trồng cây kiểu “cho có”, còn mục đích chính là làm điện mặt trời. Điều này cũng khiến nhiều trang trại làm nông nghiệp, kết hợp điện mặt trời áp mái khác bị “vạ lây”.

Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ trang trại Nông nghiệp Hữu cơ ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Mô hình trang trại nông nghiệp hữu cơ kết hợp điện mặt trời đã phát huy hiệu quả với thu nhập trên 10 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động người dân tộc Chăm với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng.

{keywords}
Nông nghiệp kết hợp điện mặt trời đang trở thành trào lưu ở Việt Nam.

Theo ông Tiến, trang trại đã đầu tư dự án điện mặt trời từ tháng 5/2018, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời kéo dài đến tháng 4/2020 theo Quyết định 11. Tuy nhiên chỉ có 2 dự án được ký hợp đồng mua bán điện với công ty Điện lực Ninh Thuận theo Quyết định số 11, còn 10 dự án chỉ được gắn đồng hồ, ghi nhận sản lượng điện chứ chưa được ký hợp đồng, chưa thanh toán với dư nợ khoảng 20 tỷ đồng. Lý do được ngành điện đưa ra là chưa có hướng dẫn từ Bộ Công Thương để xác định 10 dự án trên có phải là điện mặt trời mái nhà theo Quyết định 13 hay không?

Trong Quyết định 13, với vai trò tham mưu, xây dựng chính sách Bộ Công Thương đã bổ sung thêm quy định hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của bên mua điện. Trong khi đó tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg chỉ quy định “Dự án điện mặt trời trên mái nhà là dự án điện mặt trời được lắp đặt trên mái hoặc gắn với công trình xây dựng và đấu nối trực tiếp vào lưới điện của Bên mua điện”.

Điều này khiến nhiều dự án điện mặt trời trang trại có khả năng không được hưởng mức giá ưu đãi dành cho điện mặt trời áp mái (hơn 1.900 đồng/kWh).

Mới đây, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nêu ý kiến khẳng định: Các hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ trên hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao... mà không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng thì không được tính là hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Không đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng: Chính sách thay đổi liên tục, cơ chế khuyến khích là vậy nhưng khi làm xong thì một chính sách mới ban hành và chỉ để quy định thêm “có mái” trong khi việc “có thêm mái” có thực sự cần thiết hay không hay chỉ làm tốn thêm tiền đầu tư, làm giảm hiệu suất của các tấm quang điện và quan trọng hơn cả là các “ tấm lợp” này sẽ “giết chết” luôn các cây trồng nông nghiệp. Hiệu quả không thấy đâu nhưng thiệt hại về kinh tế - môi trường - an sinh xã hội là thấy rõ. Như vậy chính sách đưa ra không khác gì “một người nhấn ga, ba người đạp thắng”.

{keywords}
Trên làm điện mặt trời, dưới nuôi gà.

Cần hoàn thiện cơ chế

Ông Trần Anh Đông, Giám đốc Công ty Giải pháp Điều khiển và tự động hóa cho rằng: Với điện mặt trời mái nhà, không giống như điện mặt trời nối lưới (solar farm), EVN không phải đầu tư gì cả vì nó nối lên lưới trung áp 22 kV và 35kV đã có sẵn, phủ khắp nơi. Thêm vào đó, điện mặt trời mái nhà không làm mất đất sản xuất nông nghiệp, không làm mất sinh kế của người nông dân, không làm sa mạc hóa đất đai... Đối với các mô hình trang trại nông nghiệp, nếu thêm tấm lợp mái chỉ làm “triệt tiêu” sản xuất nông nghiệp bởi hạn chế ánh sáng sẽ làm cho nhiều loại cây trồng không phát triển được, tấm lợp còn làm giảm hiệu suất và tuổi thọ của tấm pin quang điện.

Cũng theo ông Trần Anh Đông, EVN đang cần nguồn điện, nên điện mặt trời dù được làm trên mặt đất, trên mặt hồ, trên các công trình nông nghiệp, công trình thủy lợi... mà người dân tận dụng được nguồn lực của đất, cơ sở hạ tầng, không lãng phí là cần được hết sức khuyến khích. Còn giá quy định như thế nào là do Nhà nước tính toán sao cho đủ khuyến khích cho người dân đầu tư, chứ không phải căn cứ vào quy định có hay không có tấm lợp mái.

 “Với một mức giá khuyến khích, sẽ có nhiều người dân có thể tham gia bỏ tiền đầu tư, không như điện mặt trời nối lưới không phải ai cũng có tiền để đầu tư”, ông Trần Anh Đông chia sẻ.

Chủ trang trại này thừa nhận thực tế ở Ninh Thuận có tình trạng lợi dụng làm trang trại nông nghiệp và lắp đặt điện mặt trời để bán điện là chính và ông nhấn mạnh “không ủng hộ điều này”. Tuy nhiên, nếu vùng đất không làm được gì mà người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư để bán điện cũng nên có hướng dẫn và tạo điều kiện cho họ làm vì vừa tận dụng được nguồn tài nguyên để sản xuất điện, có thu nhập và có đóng góp cho địa phương thay vì bỏ phí.

Theo các chuyên gia, việc phát triển quang nông khó hơn nhiều, chi phí cho quang nông cũng cao hơn nhiều so với mặt trời mặt đất. Chi phí đầu tư và vận hành, bảo dưỡng cho 50 dự án APV 1MW chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với 1 dự án mặt trời mặt đất 50MW. Nên việc APV được khuyến khích bởi giá mua điện 8.35 cent/kWh cũng là xứng đáng. Chưa kể, những lợi ích mà APV mang lại cho người dân và quốc gia lớn hơn rất nhiều so với mặt trời mặt đất, thì thậm chí giá mua điện cho APV còn nên được đặt ở mức cao hơn để khuyến khích hơn nữa.

Thu Mai

'Vỡ mộng' nguồn điện vô tận: Bỏ gần 100 triệu, một năm thu 9 triệu

'Vỡ mộng' nguồn điện vô tận: Bỏ gần 100 triệu, một năm thu 9 triệu

Lắp hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công suất 6 kW hết 93 triệu đồng. Gần 1 năm sau, điện lực thanh toán tổng giá trị điện sản xuất là 9 triệu đồng.