Theo Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng, nhằm giúp người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ và đầy đủ hơn về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã công bố cuốn Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”.

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Tiến Trọng

Theo ông Trọng, tại Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Hàng ngàn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” dày 132 trang, gồm 3 chương, giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ nêu thực tế Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trong đó có thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng chính sách pháp luật, phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết. 

Tuy nhiên, các đối tượng không có thiện chí ở trong và ngoài nước vẫn tiếp tục lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống Đảng, Nhà nước, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo. 

Ở trong nước, lợi dụng vấn đề tôn giáo, những sơ hở thiếu sót của ta trong quá trình thực hiện chính sách, một số chức sắc có tư tưởng cực đoan bị các thế lực thù địch phản động lợi dụng đã lồng ghép yếu tố chính trị, kích động gây ra điểm nóng tôn giáo, vu cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây sửa cơ sở thờ tự, cản trở hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành...

Ở ngoài nước, một số nhóm, cá nhân người Việt lưu vong thông qua các trang mạng thường xuyên đăng tin, bài vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tự do tôn giáo, kích động nhân dân mà trước hết là tín đồ tôn giáo đấu tranh “đòi tự do tôn giáo”, “tự do nhân quyền”, kêu gọi các tổ chức chính trị, cá nhân trong và ngoài nước lên tiếng can thiệp.

Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Văn Long nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là "tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết", tuy nhiên tại sao trong hơn 80 năm qua các thế lực bên ngoài vẫn xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam?

"Chúng tôi nghiên cứu tại một số quốc gia châu Âu thấy các tổ chức tôn giáo phải mua đất để xây dựng cơ sở thờ tự, còn ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước cấp để đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo. Các hoạt động tôn giáo lớn, Nhà nước Việt Nam sẽ hỗ trợ để đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy nổ, an toàn thực phẩm....Nhưng ở các nước khác thì các tổ chức tôn giáo phải tự đứng ra", ông Long nêu dẫn chứng để cho thấy sự ưu việt.

Ông Nguyễn Văn Long khẳng định, Việt Nam không lấy tôn giáo nào làm quốc giáo, tất cả các tôn giáo đều bình đẳng và phát triển hài hòa. Các tôn giáo cũng đóng góp tích cực vào đời sống xã hội, được Nhà nước và nhân dân trân trọng.

Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) Phạm Anh Tuấn

Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, vấn đề tôn giáo, nhân quyền rất được các tổ chức nước ngoài quan tâm qua các kênh trong đó có báo chí, mạng xã hội. Nhân sự kiện Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt sách trắng, Cục trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, đưa thông tin kịp thời. Từ những thông tin trong Sách trắng nên có những tuyến bài sâu hơn để phản bác lại những luận điệu sai trái.