Lần đầu tiên, Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc với các tiêu chí bài bản về mô hình trường học này.
Bộ tiêu chí bao gồm 18 tiêu chí, với 3 nhóm tiêu chuẩn chính. Cụ thể: nhóm tiêu chuẩn Con người gồm 6 tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn Dạy học và hoạt động giáo dục gồm 8 tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn Môi trường gồm 4 tiêu chí.
Mỗi tiêu chí gồm 3 mức độ đánh giá: Cần cải thiện, Khá, Tốt. Trên cơ sở đó, chỉ tiêu nào đã thực hiện tốt cần duy trì, chưa đạt cao thì cần phải có mục tiêu, phương hướng cải thiện.
Tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về văn hoá, tôn giáo, giới tính, bản dạng giới, xu hướng tính dục. Trong nhóm tiêu chuẩn về Con người, ngành giáo dục TP.HCM đưa ra 6 tiêu chí. Đó là: Tình bạn và mối quan hệ tích cực trong nhà trường dựa trên nền tảng tin tưởng, tôn trọng, bao dung, công bằng.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên lắng nghe tích cực, phản hồi mang tính xây dựng, chia sẻ, hỗ trợ với đồng nghiệp và học sinh; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy đạo đức nhà giáo.
Tinh thần dân chủ được đảm bảo; tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về văn hoá, tôn giáo, giới tính, bản dạng giới, xu hướng tính dục hay các khó khăn, khuyết tật về thể chất và học tập.
Những giá trị, thái độ tích cực như: chính trực, tận tâm, lòng biết ơn, hợp tác, thấu cảm, sáng tạo, tự tin và những hành vi tích cực được khuyến khích.
Sự khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần của giáo viên, nhân viên, học sinh thông qua việc đảm bảo điều kiện làm việc, tôn vinh, ghi nhận vai trò của của giáo viên, nhân viên, học sinh; Năng lực và kỹ năng của giáo viên được thể hiện; phát huy được các phương pháp dạy học mới, sáng tạo. Học sinh có ý thức về thành tích và thành tựu, không chỉ ở điểm số cao
Nhóm tiêu chuẩn Dạy học và hoạt động giáo dục gồm 8 tiêu chí. Đó là: Giao nhiệm vụ học tập hợp lý và công bằng; chú trọng dạy học phát huy phẩm chất và năng lực người học; đổi mới hoạt động kiểm tra, đánh giá, coi trọng sự tiến bộ của học sinh, tránh gây áp lực quá mức và đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các học sinh với nhau.
Các môn học và hoạt động giáo dục được áp dụng các phương pháp tích cực, phát huy tinh thần làm việc nhóm và hợp tác; người học được thể hiện sự sáng tạo và gắn kết với nhau, coi những lỗi sai như một phần của quá trình học; dạy và khuyến khích học sinh đặt câu hỏi, tư duy phản biện.
Học sinh có được ý thức về thành tích và thành tựu, không chỉ ở điểm số cao mà nhiều hơn là sự công nhận, khuyến khích, động viên từ giáo viên, cha mẹ và nhà trường; vinh danh những gương học sinh điển hình trong quá trình học tập, rèn luyện.
Nội dung học tập bổ ích, lôi cuốn, mang tính ứng dụng cao, gắn với thực tiễn. Các hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá và các sự kiện ở trường được tổ chức hiệu quả. Xây dựng các câu lạc bộ đội nhóm, sân chơi, hoạt động phong trào, nghiên cứu khoa học;
Triển khai các chương trình sức khỏe học đường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho học sinh.
Quan tâm đến sức khỏe tâm thần, quản lý căng thẳng thông qua công tác tham vấn tâm lý học đường, công tác xã hội trường học; đưa nội dung chương trình giáo dục cảm xúc, xã hội, đạo đức (SEE), năng lực cảm xúc, xã hội, học tập (SEL) và sự chú tâm, lòng biết ơn vào giảng dạy.
Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong quản lý và dạy học.
Áp dụng kỷ luật tích cực trong nhà trường. Và với nhóm tiêu chuẩn Môi trường, Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra 4 tiêu chí.
Cụ thể là môi trường học tập thân thiện, an toàn, không có bạo lực, bắt nạt, kể cả bắt nạt trực tuyến; Kỷ luật tích cực được áp dụng trong nhà trường; Trường học đạt tiêu chuẩn về trường học xanh; Tầm nhìn và công tác Lãnh đạo của nhà trường hướng đến những ưu tiên xây dựng Trường học hạnh phúc.