- Chiếm gần 1/3  kim ngạch xuất khẩu của cả nước, năm 2014 TP.HCM tiếp tục dẫn đầu các tỉnh thành với 31,352 tỷ USD, tăng 1,864 tỷ USD so với năm 2013.

Hàng hóa từ TP.HCM đã vươn đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết quả này có ý nghĩa và giá trị còn quan trọng hơn, lần đầu tiên một địa phương trong cả nước là TP.HCM đã xuất khẩu vượt ngưỡng 30 tỷ USD…

{keywords}

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phân tích rõ hơn về con số này như sau:

“Đó là quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của TP đã có sự tăng trưởng tích cực.  Cụ thể: Kim ngạch xuất khẩu cả năm 2014 đạt trên 31 tỷ USD, tăng 8,8% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 6%).

Nếu loại trừ giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 24,903 tỷ USD, tăng 11,9% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 2,5%). Nếu loại trừ kim ngạch tái xuất vàng (trong năm 2013), kim ngạch xuất khẩu của TP tăng 14,65%. Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu chuyển biến tích cực nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm mức cao 69,4%.  Hàng hóa của doanh nghiệp thành phố đã được xuất khẩu đến 230 quốc gia, vùng lãnh thổ.Thị trường xuất khẩu chủ yếu, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đức, Australia, New Zealand và thị trường các nước ASEAN...”

Đáng chú ý là chất lượng xuất khẩu tiếp tục được nâng lên với tỉ trọng nhóm hàng công nghệ, chế biến, chế tạo chiếm gần 70%; nhóm hàng nông lâm, thủy sản chiếm trên 22%.

Về nguyên nhân khách quan và chủ quan, Phó chủ tịch TP Nguyễn Thị Hồng cho biết:

“Trước tiên là TP. HCM  có lực lượng doanh nghiệp lớn về quy mô, luôn năng động, sáng tạo, bản lĩnh nổ lực vượt khó trong việc ứng phó với các rủi ro trong điều kiện nhiều biến động, thách thức, khó khăn của thị trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh. Đây là thuận lợi lớn.

Trước tình hình và diễn biến khó khăn phức tạp trong năm 2014, TP đã  triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường như: Chương trình kích cầu đầu tư, bình ổn thị trường; kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp từ TP đến quận - huyện; Hợp tác thương mại giữa TP.HCM với các tỉnh, thành Đông, Tây Nam bộ; Chương trình Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM với các thành, thành; Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước; Chủ động đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, tránh lệ thuộc vào một thị trường… Hàng loạt những biện pháp đồng bộ này đã bổ sung và hổ trợ rất lớn cho các tổ chức và DN tại TP  tăng thêm lợi thế để vượt qua khó khăn, tận dụng tiềm năng và thế mạnh của TP và khu vực phía Nam, huy động tổng lực mọi nguồn lực KT – XH để vào cuộc, khai thác thị trường mới, giữ được thị trường truyền thống.

Đây cũng là kinh nghiệm và bài học “vượt khó” của TP.HCM.

Một điều không thể không nói là qua kết quả này, năng lực quản lý và điều hành của cả hệ thống chính trị và DN TP đã có sự trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn.

Là đầu tàu của khu vực phía Nam đất nước, sự trưởng thành và phát triển vượt qua khó khăn của TP.HCM góp phần tác động rất lớn đến cả khu vực. Góp phần kích thích tăng trưởng chung cho toàn vùng, duy trì và giữ ổn định các liên kết KT – XH trong khu vực, trở thành đầu mối quan trọng cho các vùng kinh tế trọng điểm trong vùng.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Hồng cắt băng khai trương hội chợ triển lãm và xúc tiến thương mại TP.HCM tại Phnompenh, Campuchia 2014

Sau một năm phấn đấu, đối mặt với nhiều gian nan thử thách, TP.HCM đã được đền đáp xứng đáng với con số ấn tượng XK trên 31 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước với vai trò “đầu tàu” cho vùng phía Nam. Tuy nhiên  “Kết quả này không phải để chúng tôi chủ quan mà để TP chúng tôi đánh giá, nhận diện đúng thực lực, thị trường cùng những yếu tố khác để có kết quả hơn trong năm tới”, bà Hồng nhấn mạnh.

Để tiếp tục khai thác và phát huy đúng thực lực và tiềm năng, TP đã tích cực từ rất sớm cho năm 2015.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng đã phác họa những biện pháp đã và đang tiếp tục cho năm mới:

Thứ nhất, TP tiếp tục thực hiện “Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu trên địa bàn TP” theo hướng tập trung nâng tỷ trọng trong cơ cấu hàng xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; “Chương trình hỗ trợ tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu” và “Chương trình hỗ trợ đào tạo công nhân, chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực thiết kế, tạo mẫu cho ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ” để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với những thách thức từ việc mở rộng thị trường, tận dụng tốt các cơ hội và ưu đãi trong các cam kết quốc tế, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Thứ hai, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, không để phụ thuộc vào một thị trường đồng thời nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, thị trường mới có nhiều tiềm năng với những ngành hàng, mặt hàng phù hợp;

Thứ ba, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực về vốn, về thị trường; về thông tin, về nguồn hàng, đủ sức cạnh tranh thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện 5 nhóm giải pháp gồm triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020; đẩy mạnh thông tin, truyền thông; tập trung triển khai các giải pháp hổ trợ DN trong hoạt động SX – KD, tìm kiếm mở rộng thị trường, thị phần và phát triển hệ thống phân phối…

Bài và ảnh: Đặng Ngọc Chính