Con cái chúng ta đến trường sẽ học được điều gì khi chúng bị tổn thương, hoặc chứng kiến sự tổn thương của bạn bè bởi những lý do đến từ thày cô?

Để đảm bảo công bằng, những đứa trẻ mầm non không được bố mẹ đóng tiền xem xiếc bị nhốt trong lớp khi các bạn khác xem dưới sân trường. 

Để đảm bảo thẩm mỹ học đường, những học sinh nghèo không có giày để đi thì bị thầy hiệu trưởng cắt dép. 

Những hành vi phản cảm, phản giáo dục của những nhà giáo dục vẫn có thể xảy ra, song khi mà người ta nhân danh cái đẹp, nhân danh sự công bằng thì đây không còn là hành vi nữa, mà là ý thức lệch lạc về giá trị con người.

Dư luận đã nói quá nhiều trong những ngày qua về chuyện xảy ra ở một trường mầm non tại Hà Nội, khi giáo viên phát loa đề nghị những học sinh chưa đóng 40.000 đồng xem xiếc phải ở lại trên lớp, những học sinh đã đóng tiền thì được xuống sân xem biểu diễn. Đã có những phản ứng, lên án, sửng sốt, ngỡ ngàng... đủ cả về câu chuyện phản giáo dục đó. Song, có lẽ, những thầy cô giáo đó không thể nhận ra cái sai lớn nhất của họ trong câu chuyện này là gì.

{keywords}

Trường học cần là môi trường bình đẳng cho trẻ em. Ảnh minh họa: Văn Chung

Không phải họ đã sai khi áp dụng cách thức đảm bảo sự công bằng một cách khiên cưỡng. Bởi, nếu họ để các em không đóng tiền và có đóng tiền cùng xuống sân xem như nhau thì sẽ thiếu công bằng thật. 

Cũng không phải họ đã sai khi không lường hết việc có những học sinh sẽ không có tiền để xem xiếc. Bởi cho dù số tiền 40.000 đồng đó không lớn, song không phải mọi phụ huynh đều thoải mái với những hoạt động ngoại khóa mà nhà trường chọn lựa.

Họ đã sai khi không hiểu cho đúng ý nghĩa của cụm từ phổ cập giáo dục. Đó là cơ hội để mọi đứa trẻ đều có thể thụ hưởng một cách bình đẳng những nhu cầu giáo dục cơ bản. Để có được một nền tảng tối thiếu không chỉ về tri thức, văn hóa, mà còn là những giá trị làm người.

Chúng ta có thể phải chấp nhận rằng trong cuộc đời này có khoảng cách giàu nghèo, có những đứa trẻ được sinh ra với điều kiện thuận lợi hơn những đứa trẻ khác. 

Chúng ta cũng phải chấp nhận một thực tế rằng có những đứa trẻ sẽ bị tổn thương vì thua bạn kém bè. 

Nhưng, đó là câu chuyện của số phận, chuyện bên ngoài mái trường. 

Những tổn thương đó không thể đến từ chính thầy cô giáo, những người có sứ mệnh tạo ra những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn những đứa trẻ.

Vậy thì cái sai của những thầy cô giáo ở ngôi trường mầm non ấy là gì? Là họ đã tự làm khó mình bởi sự vô minh khi đưa vào sân trường một hoạt động tạo ra sự phân cách. 

Tại sao lại mang chương trình biểu diễn xiếc ấy vào trong trường khi đó không phải là một chương trình miễn phí đối với học sinh? 

Tại sao lại mang một hoạt động có tính chất kinh doanh vào mái trường? Bất cứ hoạt động nào có yếu tố tiền bạc đều sẽ làm nảy sinh sự phân biệt giàu nghèo.

Những đứa trẻ có lỗi gì khi cha mẹ chúng nghèo? Tại sao chúng phải khóc trong lớp khi các bạn vui vẻ thưởng thức một chương trình giải trí? Tại bố mẹ chúng nghèo hay sao?

Các thầy cô giáo mong muốn điều gì khi mang đến nỗi tủi hờn cuả những đứa trẻ? Dĩ nhiên, họ muốn chúng biết rằng ở đời có sự công bằng, rằng các con chỉ có thể hưởng thụ khi có đóng góp như mọi người. Nhưng sự đóng góp ấy không phụ thuộc vào bản thân chúng. 

Vậy nên, điều mà các thầy cô mang đến chỉ có thể là sự ghen ghét giữa đám trẻ, hoặc nỗi thất vọng đối với mẹ cha. Chắc chắn, những giáo viên ở ngôi trường mầm non ấy không mong muốn điều này. Nhưng họ đã để nó xảy ra.

Có lẽ đến lúc này những giáo viên ở ngôi trường mầm non ấy vẫn chưa hiểu vì sao họ đã bị lên án đến thế. Bởi, họ cũng chỉ là những sản phẩm của một nền giáo dục đã nhiều năm xa rời mục đích ban đầu của giáo dục, là trồng người, để dạy những đứa trẻ thành những con người có tri thức, có nhân cách, và có tấm lòng.

Các giáo viên ở ngôi trường mầm non ấy có lẽ giờ đây sẽ vẫn còn ấm ức. Họ ấm ức là phải. Bởi câu chuyện của họ không là cá biệt. 

Bởi chuyện học phụ đạo đã trở thành học thêm, đã không còn có ý nghĩa để giúp các học sinh yếu đuổi theo để tự tin cùng bạn học, mà trở thành một điều kiện để tăng thu nhập cho thầy cô. 

Bởi giờ đây liệu có bao nhiêu thầy cô nhớ rằng ý nghĩa của bộ đồng phục học sinh không chỉ là chuyện thẩm mỹ, hay nhận diện thương hiệu của nhà trường, mà còn là cơ hội để những đứa trẻ giàu nghèo tìm thấy sự bình đẳng dưới cùng một mái trường?

Con cái chúng ta đến trường sẽ học được điều gì khi chúng bị tổn thương, hoặc chứng kiến sự tổn thương của bạn bè bởi những lý do đến từ thày cô? 

Trẻ con không cần điều đó mà cần có khát vọng được trở thành người tốt, nhân ái với bạn bè, và biết xấu hổ khi khiến các bạn mình tổn thương.

Khi viết những dòng này, tôi muốn cám ơn những thày cô giáo trường Thực Nghiệm, nơi con gái tôi từng học tiểu học bởi một câu chuyện không thể quên. Đó là một buổi chiều mưa tôi đã lái xe vào sân trường đón con. Cô bé lớp ba đã nhất định không chịu lên xe trong sân trường mà đi bộ dưới trời mưa mấy trăm mét ra tận ngoài đường. Khi lên xe, việc đầu tiên cô bé nhắc bố: Lần sau bố đừng làm thế, vì con thấy xấu hổ nếu lên xe của bố trong khi các bạn đi bộ dưới trời mưa.

Tôi đã nhớ mãi câu chuyện này, suốt 6 năm qua, dù con gái tôi đã chuyển sang một ngôi trường khác khi vào cấp hai, dù bây giờ cô bé lớp 9 ấy bình luận "buồn cười nhỉ, thế mà con không nhớ!" khi tôi kể lại câu chuyện đó.

Theo Trung Tuyến (VOV)

*Tên bài do Tuần Việt Nam đặt lại