Theo đó, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Tại toạ đàm, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên cho biết, năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam). 

Đến nay, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, cách làm cụ thể, thiết thực. 

Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Screenshot at Nov 05 14 28 15.png
Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: CTV

Tọa đàm Báo chí và Ngày pháp luật Việt Nam năm 2024 nhằm truyền thông, lan toả tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, lan toả thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật theo hướng chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, các cơ quan báo chí chủ lực như Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam,... đã làm tốt công tác truyền thông, giáo dục, phổ biến pháp luật. 

Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tăng cường chuyển đổi số, phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành Tư pháp để truyền thông về pháp luật, thông tin kịp thời các dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TTXVN cho biết, TTXVN đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024. 

Đặc biệt là việc tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật công chức, viên chức năm 2024" theo hình thức trực tuyến, tăng cả về số lượng người tham gia và số lượng bài thi có nhiều câu trả lời đúng...

Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và đại diện các cơ quan báo chí đã trao đổi, thảo luận các thông tin, định hướng, truyền thông, triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng, thi hành pháp luật. 

Ông Phan Hồng Nguyên cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với báo chí trong việc cung cấp thông tin cho báo chí từ đầu, từ sớm, để đảm bảo việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 40 quốc gia tổ chức “Ngày Pháp luật” hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội hằng năm để kỷ niệm ngày ký, ngày ban hành Hiến pháp của nước mình.

Ở nước ta, theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012 thì: Ngày 9 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là ngày pháp luật vì vào ngày này cách đây 75 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị-pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước.  Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành.

Năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam).