Khoảng 10 năm trước, cuộc sống của người dân làng Chăm vô cùng khó khăn, hộ nghèo chiếm gần 2/3.

Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc gắn với xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, những năm gần đây, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh đầu tư các công trình như: nước sạch, đường giao thông nông thôn, điện thắp sáng và sản xuất cho các vùng nông thôn.

{keywords}
Thánh đường Hồi giáo Xuân Lộc

Cùng với đó, huyện giao cho Phòng Nông nghiệp nghiên cứu, đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; cấp phát cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cử kỹ sư nông nghiệp về giúp bà con dân tộc thiểu số nói chung và làng Chăm nói riêng làm kinh tế. Nhờ đó, đời sống làng Chăm Xuân Hưng có sự thay đổi rõ rệt.

Gia đình chị Tah ở làng Chăm có hơn 5ha đất trồng tràm, do đất đai bạc màu, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật canh tác nên hiệu quả kinh tế không cao, nhiều năm liền gia đình chị là hộ cận nghèo của xã. Hơn 5 năm trước, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Tah tham gia lớp tập huấn ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, được đi tham quan mô hình trồng thanh long ở tỉnh Tiền Giang.

Sau đó, chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) - chi nhánh huyện Xuân Lộc chuyển đổi 3 sào lúa sang cây thanh long ruột tím. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp và chăm chỉ lao động, vườn thanh long của gia đình chị ngày càng mở rộng, với lợi nhuận khoảng 3 tỷ đồng/năm.

Chị Tah cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ trồng 3 sào thanh long, sau tăng dần, đến nay phát triển được 10ha, trong đó 7ha đang cho thu hoạch. Toàn bộ diện tích thanh long của tôi được trồng và chăm sóc theo quy trình hữu cơ do cán bộ hướng dẫn.  Tôi đang liên kết với các hộ trồng thanh long là người dân tộc Chăm thành lập HTX Thanh long hữu cơ để thuận lợi hơn về đầu ra”.

Ngoài gia đình chị Tah, ở làng Chăm cũng có khoảng 10 hộ có thu nhập trên nửa tỷ đồng/năm. Vùng đất cằn ấp 4 giờ đây phủ xanh màu cây thanh long, loại cây giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.

Ông Abđôhamit, Giáo cả làng Chăm ấp 4, xã Xuân Hưng cho biết, so với 5 năm trước, làng Chăm hiện tại hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Con em làng Chăm được đến trường, lớn lên đi làm xí nghiệp ở vùng lân cận. 100% tuyến đường được bê tông hóa, có điện chiếu sáng; 100% hộ dân có nước sạch hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân đầu người gần 50 triệu đồng/tháng, số hộ nghèo giảm còn dưới 20 hộ, đồng thời số hộ làm ăn khá giả ngày càng tăng.

Giáo cả làng Chăm chia sẻ thêm, từ chỗ làm ăn có hiệu quả, người Chăm tích cực hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động, đặc biệt là phong trào Chung sức xây dựng nông nông mới, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào Xây dựng gia đình văn hóa. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào người Chăm ngày một nâng cao. Đội ca múa nhạc của làng Chăm được khôi phục và duy trì tập luyện phục vụ các sự kiện của làng, xã; lớp học giáo lý, chữ viết và các phong tục đặc trưng của người Chăm được giữ gìn.

Bà Phạm Thị Mai Phương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hưng cho biết, trước đây, đời sống của người dân trên địa bàn xã nói chung và làng Chăm nói riêng rất khó khăn do không tìm được hướng phát triển kinh tế đúng đắn. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang thanh long, nhờ đó thu nhập bình quân tăng lên hơn 50 triệu đồng/người/năm. Riêng làng Chăm phát triển được khoảng 130ha thanh long.

Dự kiến tháng 6 tới đây, HTX Thanh long hữu cơ làng Chăm được thành lập. Đây là HTX đầu tiên của huyện Xuân Lộc mà người sáng lập và thành viên đều là người dân tộc thiểu số. Đời sống tinh thần của người dân ngày càng được quan tâm.

Thúy Tình
Ảnh: Thanh Bình