Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là ngôi làng cổ "độc nhất vô nhị ở miền Bắc" với những hình ảnh thân thuộc như cây đa, giếng nước, sân đình... Điểm du lịch này đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia và từng thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Nơi đây cách trung tâm thủ đô khoảng 50km.
Tuy nhiên, làng cổ Đường Lâm kể từ sau đại dịch Covid-19 rất vắng du khách. Tại đây cũng không còn cảnh bán vé vào tham quan như nhiều năm trước.
Có ý kiến cho rằng khi du lịch các điểm gần Hà Nội vào cuối tuần, Đường Lâm không còn là lựa chọn của nhiều người. Thay vào đó họ sẽ chọn những điểm ăn chơi có thiên nhiên trong lành như Ba Vì, Thạch Thất... Hình ảnh tại đình làng Mông Phụ chiều cuối tuần ngày đầu tháng 10.
Bà Lợi (74 tuổi) bán hàng trước cửa đình Mông Phụ đã hơn 30 năm, cho biết, bà chưa từng chứng kiến khung cảnh ảm đạm du khách như hiện tại. "Kinh doanh ế ẩm lắm, mỗi ngày cũng chỉ bán được cho vài người. Hầu hết khách cũng chỉ mua vài chai nước chứ đồ lưu niệm bây giờ họ không chuộng nữa", bà Lợi nói.
Chị Khuất Thị Hồng (33 tuổi), tài xế xe điện cho biết từ sau đợt dịch Covid-19 năm ngoái, du khách vẫn chưa trở lại nhộn nhịp như trước đây. Hiện nay, trung bình mỗi ngày chị chỉ đưa đón khoảng 4 đến 5 chuyến.
Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng với những ngôi nhà cổ có phần tường được xây bằng đá ong, đất. Tuy nhiên, nét cổ kính này đang dần mất đi bởi nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên. 
Nhiều ngôi nhà xây mới cũng lợp mái màu đỏ nhưng là loại bằng tôn.
Sắc đỏ nổi bật từ những viên ngói gạch nung đang dần bị thay thế. Hầu hết, chỉ những hộ kinh doanh dịch vụ tham quan nhà cổ mới giữ lại phong cách kiến trúc xưa.

Vật liệu xây dựng ngổn ngang giữa lòng đường ngôi làng cổ. 

Những ngôi nhà với thiết kế kiểu hiện đại nằm ngay bên các dãy nhà cổ khiến du khách khó hiểu.
Du khách tản bộ ở con đường làng đã mất đi nhiều chất cổ. Thực tế có nhiều người đến Đường Lâm một lần rồi không quay trở lại lần thứ 2.
Rác thải ngổn ngang, người đi bộ qua đây sẽ thấy có mùi khó ngửi và nhếch nhác.
Vũ Thị Diễm (19 tuổi) cùng bạn trai tham quan làng cổ Đường Lâm. "Khung cảnh khác xa so với mình tưởng tượng. Khu vực trung tâm vẫn giữ được nét cổ kính nhưng cách đó vài trăm mét thì đã hoàn toàn khác. Đang đi dọc những ngôi nhà cổ lại xen lẫn mấy cái mái tôn, mình thấy tiếc vì ngôi làng dần mất đi chất xưa", Diễm nói.  
Anh Trí (47 tuổi) từ tỉnh Tiền Giang ghé thăm Đường Lâm. "Tôi thấy di tích cổ vẫn giữ được hiện trạng, chỉ một số nhà không kinh doanh dịch vụ tham quan thì được xây mới. Cũng dễ hiểu thôi, có thể là những kiến trúc cũ không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại", anh nói.