UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm khoảng 3.060ha thuộc địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) là khu du lịch trọng điểm của tỉnh.

Khu vực này cũng được định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Làng nghề gạch, gốm ở huyện Mang Thít hình thành cách đây hơn 100 năm, nằm bên dòng sông Cổ Chiên và kênh Thầy Cai, được mệnh danh là "Vương quốc gạch, gốm" - nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Làng nghề gạch, gốm Mang Thít là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung.

Quy hoạch được kỳ vọng giúp hồi sinh làng nghề gạch, gốm, biến nơi đây thành biểu tượng mới trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế dịch vụ, sáng tạo, có giá trị gia tăng cao.

Cơ cấu phát triển không gian khu quy hoạch lấy vùng lõi dọc kênh Thầy Cai làm trung tâm, bao gồm 9 phân khu. Trong đó khu nông nghiệp sinh thái gắn với khu lò gạch, gốm có diện tích hơn 1.000ha.

Các phân khu còn lại là khu phát triển dịch vụ - du lịch - khu dân cư nông thôn, khu dân cư đô thị, khu dân cư sinh thái, khu nghỉ dưỡng sinh thái. Du lịch là ngành lõi, nông nghiệp và công nghiệp giữ vai trò cung ứng và hỗ trợ.

W-vĩnh long 42.jpg
Làng nghề gạch, gốm Mang Thít là một trong những nét văn hóa đặc trưng của người dân Vĩnh Long nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung

Những năm qua, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long định hướng phát triển gốm đỏ là sản phẩm du lịch mang tính chất đột phá của địa phương, cần được bảo tồn và phát huy phù hợp.

Tỉnh đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, tọa đàm, lấy ý kiến đánh giá về giá trị của làng nghề, những tiềm năng để phát triển du lịch trong thời gian tới.

Năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt đề án Di sản đương đại Mang Thít nhằm bảo tồn và phát triển “vương quốc lò gạch” thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia.

Năm 2023, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc đề án. Đến nay, qua tuyên truyền, gần 650 lò gạch, gốm của hơn 360 hộ dân trong khu vực đã được giữ lại để phục vụ việc thực hiện đề án.

Tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh lần thứ I.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Festival, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định: Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế Xanh tại Vĩnh Long có ý nghĩa vô cùng to lớn và là một bước đi tiên phong, thể hiện tầm nhìn dài hạn và sự đổi mới sáng tạo của địa phương. 

Phó Thủ tướng kỳ vọng, thời gian tới, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn để vươn ra thế giới. Đồng thời, nghề gạch gốm tại Vĩnh Long sẽ trở thành hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển bền vững. 

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm cho biết, thông qua Festival, tỉnh mong muốn mang đến thông điệp mạnh mẽ về cam kết trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đồng thời xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch.

Tỉnh tập trung phát triển làng nghề gắn với phát huy các giá trị văn hóa nền văn minh lúa nước của vùng sông nước đặc sắc và bảo vệ môi trường, nhằm tạo ra không gian và động lực phát triển mới để phát triển nhanh và bền vững.

Festival đã thu hút khoảng 90.000 lượt nhân dân và du khách đến tham quan.