Xã Phúc Sen có 11 xóm, hơn 1.000 hộ dân, trên 4.200 nhân khẩu với 2 dân tộc chính là Tày, Nùng. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận: làng nghề rèn Phúc Sen, làng nghề giấy bản Quốc Dân và làng nghề hương Phja Thắp.
Các nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà du khách thập phương còn được tìm hiểu cách người dân giữ gìn nghề truyền thống, qua đó hiểu hơn về nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người Nùng An ở xã Phúc Sen.
Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Nông Văn Đài cho biết: Việc chuyển đổi số trong các làng nghề là một nội dung rất quan trọng trong kinh tế số, hiện nay trên địa bàn xã quan tâm thực hiện. Xã chủ động thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các xóm, nhất là các xóm có làng nghề. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, các hợp tác xã triển khai chuyển đổi số nhằm quảng bá du lịch làng nghề, đưa các sản phẩm làng nghề địa phương lên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Tiktok... để tiếp cận đến đông đảo người tiêu dùng.
Việc thay đổi phương thức hoạt động, kinh doanh của các làng nghề từ giới thiệu sản phẩm qua không gian mạng, bán hàng trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi góp phần mở rộng đối tượng khách hàng, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ tăng đáng kể. Mỗi tháng, các hợp tác xã có thu nhập trung bình trên 10 triệu đồng thông qua các sàn thông tin điện tử.
Lò rèn dao Phúc Sen - một trong những cơ sở thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong giới thiệu, quảng bá các sản phẩm làng nghề rèn Phúc Sen trên các trang mạng xã hội. Đi đôi với đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao, lò rèn dao Phúc Sen linh hoạt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quá trình quảng bá sản phẩm và kinh doanh bán hàng. Những hình ảnh, video về quá trình thợ rèn trực tiếp làm ra các sản phẩm được cơ sở tích cực giới thiệu, quảng bá trên mạng xã hội, thu hút đông đảo khách hàng.
Anh Lâm Việt Hoàng, quản lý lò rèn dao Phúc Sen, xã Phúc Sen chia sẻ: Hằng ngày, ngoài việc đón khách tại cửa hàng, cơ sở còn tổ chức livestream bán hàng nhằm giới thiệu những mẫu mã, sản phẩm nổi tiếng của làng rèn Phúc Sen trên trang mạng Facebook và Tiktok. Dù mới chỉ sử dụng hình thức bán hàng online này, thế nhưng lượng khách đang bắt đầu tăng dần. Các đơn đặt hàng qua mạng xã hội cũng giúp cho sản lượng tiêu thụ có những thay đổi tích cực. Việc đổi mới hình thức, phương thức bán hàng, đặc biệt là áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số từ quản lý điều hành đến hoạt động sản xuất và bán hàng đã giúp cơ sở làm nghề truyền thống này tương thích hơn trong dòng chảy hiện đại.
Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, sản phẩm làng nghề hương Phja Thắp dần đến gần hơn với nhiều người. Từ không gian mạng, các hộ sản xuất có thể cập nhật được hình ảnh các sản phẩm, kết hợp giao hàng tận nơi, từ đó mang lại lợi ích kép cho cả người mua và người bán.
Bà Gendre Aude du khách Pháp đến tham quan, trải nghiệm tại làng nghề làm hương Phja Thắp chia sẻ: Tôi đến Cao Bằng và biết đến làng nghề làm hương truyền thống trên Internet và muốn đến trực tiếp để tham quan. Đến đây thấy phong cảnh rất đẹp, yên bình, được xem người dân làm hương rất thú vị, nhiều bản sắc văn hóa ấn tượng, độc đáo. Tôi đã chụp rất nhiều ảnh về vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi đây để lưu giữ làm kỷ niệm.
Tuy nhiên, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất tại các làng nghề truyền thống vẫn đang ở bước sơ khai, số lượng các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong kinh doanh vẫn còn khiêm tốn; hầu hết mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh thông tin đơn thuần hoặc qua mạng xã hội. Để chuyển đổi số thực sự là bước đà cho sự chuyển mình của các làng nghề truyền thống vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để các làng nghề áp dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế một cách bài bản và chủ động hơn. Trong thời gian tới, xã Phúc Sen tiếp tục mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực các chủ thể, các sản phẩm, liên hệ với các trang mạng uy tín, các tài khoản nổi tiếng để kết nối, quảng bá sản phẩm địa phương.
Theo Hoài An (Báo Cao Bằng)