Đa dạng các hình thức tuyên truyền 

Lạng Sơn có đường biên giới dài trên 231 km tiếp giáp với Trung Quốc; có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối tắt qua lại biên giới cùng những yếu tố khác đã tác động đến tình hình tội phạm mua bán người.

Hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài để lao động, làm việc bất hợp pháp diễn biến phức tạp, bất chấp cảnh báo của các cơ quan chức năng. Nổi lên một số phương thức, thủ đoạn như: Triệt để lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook) với tên, tuổi, địa chỉ giả, kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các quán karaoke, cắt tóc, massage.

Lạng Sơn có đường biên giới dài trên 231 km tiếp giáp với Trung Quốc.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng mua bán người là do đời sống kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số; áp lực kiếm việc làm khiến họ dễ sa vào bẫy của kẻ buôn người, dưới mác giới thiệu việc làm.

Lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người khá lớn, mất cân bằng về giới tính, dân số; công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động. Nhất là trong quản lý hoạt động của các quán karaoke, xuất nhập cảnh, hôn nhân và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài… cũng là nguyên nhân khiến tội phạm mua bán người bất chấp thủ đoạn để thực hiện hành vi. 

Ngay từ đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023 (Kế hoạch số 40/KH-BCĐ ngày 22/02/2023).

Mục tiêu của kế hoạc là phấn đấu bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ thực hiện gồm:

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 61/KH-BCĐ ngày 18/4/2021 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, chỉ đạo triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người và Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7.

Thực hiện công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm mua bán người. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.

Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống mua bán người. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng chống mua bán người.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người bằng nhiều hình thức, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán như phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên. Đặc biệt, chú trọng lựa chọn địa bàn tuyên truyền chủ yếu ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nội dung tuyên truyền đa dạng như: các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn; hậu quả; cách thức phòng ngừa, phát hiện và tố giác các hành vi liên quan đến tội phạm mua bán người. Qua đó, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm mua bán người.

Hình thức tuyên truyền cũng được đa dạng như: tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, tài liệu, tọa đàm, hội thi, trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được trên 15 nghìn cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật với trên 1 triệu lượt người nghe; trong đó có nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người.

Tiêu biểu là từ năm 2022 đến nay, các đồn biên phòng đã phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể cơ sở tổ chức tuyên truyền tập trung được trên 800 buổi cho hơn 40.000 lượt người dự nghe; tuyên truyền nhỏ lẻ cho trên 25.000 lượt người; phát hơn 31.000 tờ rơi có nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người và các văn bản pháp luật liên quan. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì tổ chức các diễn đàn, hội thi, tọa đàm cấp tỉnh về phòng, chống mua bán người hằng năm…

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Công tác tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi hội, trang thông tin điện tử, hệ thống tài khoản mạng xã hội của các cấp hội… 

Cũng từ năm 2022 đến nay, các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền được hơn 4.500 cuộc cho hơn 200 nghìn lượt người nghe về phòng, chống mua bán người, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, hằng năm các cấp hội đều tổ chức các diễn đàn, hội thi, liên hoan, chương trình truyền thông về phòng, chống mua bán người. Đồng thời, duy trì các mô hình truyền thông, sinh hoạt hiệu quả tại cơ sở, thu hút đông đảo hội viên tham gia để nâng cao nhận thức, cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

Tăng cường ngăn chặn tội phạm mua bán người

Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người ở cả trên biên giới và khu vực nội địa.

Lực lượng công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, nguy cơ xảy ra mua bán người; từ đó triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn, giải cứu nạn nhân, xử lý các đối tượng.

Cụ thể, lực lượng công an tăng cường phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép; làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý cư trú, nhất là đối với các cơ sở lưu trú như: nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ gần khu vực biên giới, cửa khẩu… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng mua bán người qua biên giới.

Mặt khác, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác này, đặc biệt là phối hợp với công an Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trong trao đổi thông tin, đấu tranh truy bắt tội phạm, giải cứu nạn nhân…

Từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động mua bán người qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đối với khu vực nội địa, các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người núp dưới nhiều hình thức với những thủ đoạn tinh vi.

Do đó, lực lượng công an trong toàn tỉnh luôn chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm soát địa bàn, những nơi tiềm ẩn mua bán người, điều tra xác minh làm rõ các hành vi; tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác có liên quan, đảm bảo tất cả các trường hợp có dấu hiệu của tội phạm mua bán người đều được xác minh làm rõ và xử lý triệt để.

Huỳnh Tuấn Kiệt, Phùng Thu Thủy, Nguyễn Hoàng Hà

Tuấn Kiệt và nhóm PV, BTV