Theo đó, Trung tâm đã tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho đồng bào dân tộc tộc thiểu số.

Bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

lang son.jpg
Truyền thông về tiếp cận pháp luật tại vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức truyền thông về tiếp cận pháp luật tại các xã điểm vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thực hiện 15 cuộc truyền thông trực tiếp về trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người dân trên địa bàn tại các thôn, xã của các huyện Bình Gia, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình, Cao Lộc và Văn Lãng, với tổng số tham dự là 931 người.

Thông qua các cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý trực tiếp đến các xã, thôn, cụm xã… đã giúp người dân nắm bắt, tiếp cận được quy định pháp luật về chính sách về trợ giúp pháp lý miễn phí, tiếp cận nhu cầu trợ giúp pháp lý tại cơ sở, lồng ghép truyền thông, tuyên truyền một số quy định pháp luật về Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở... góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Tổ chức được 08 hội nghị tập huấn điểm về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số, về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa bàn 08 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Quan, Văn Lãng, Đình Lập, Bình Gia, Văn Quan cho đối tượng là công chức tư pháp - hộ tịch xã; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân tộc thiểu số.

Tăng cường thông tin, truyền thông rộng rãi về công tác trợ giúp pháp lý. Tổ chức 06 đợt chuyên đề “Hướng dẫn cách tiếp cận và thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý” cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ thuộc các cơ quan liên quan, cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các thôn, xã của 02 huyện Bắc Sơn và Văn Lãng, với tổng số 388 người tham dự.

Triển khai các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhu cầu, thực trạng thực hiện, sử dụng pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phương tiện thông tin đại chúng. Tạo điều kiện giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách pháp luật dễ dàng, thuận lợi.

Đồng thời, Trung tâm cũng củng cố, nâng cao hiệu quả đường dây nóng và các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân…

Nguyễn Thanh Hà, Đỗ Hữu Khôi, Vũ Thị Huệ

Thanh Hà và nhóm PV, BTV