- Đó là chia sẻ thông cảm và đầy bức bối của nhiều giáo viên trước câu chuyện chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh điều một số nữ giáo viên đi tiếp khách tại nhà hàng.
Chia sẻ với VietNamNet, cô giáo Minh (một giáo viên ở Bình Dương) cho rằng trường hợp tiếp khách đàng hoàng trong hội nghị, lễ tân có thể không quá nặng nề, nhưng nếu tiếp khách ở nhà hàng hay trên bàn nhậu là việc không thể chấp nhận được. Bởi việc đó hoàn toàn nằm ngoài chuyên môn của giáo viên.
Tuy nhiên, cô Minh cho rằng, khi có “lệnh” từ trên xuống thì gần như chắc chắn các giáo viên sẽ phải đi, chỉ trừ khi ốm đau, bệnh tật.
“Cũng tùy từng người, nếu người mạnh mẽ thì có thể họ mới dám phản đổi nhưng thường thì phải chấp hành thôi. Cấp trên bảo thì cấp dưới phải nghe. Có công văn điều động thì ai dám cãi. Mà thực tế là do sếp đồng ý điều đi thì người ta mới điều chứ. Với trường hợp công văn chỉ đích danh tên từng người, thì trước đó, chính lãnh đạo của trường phải cung cấp thông tin là trường có cô này cô kia. Ví dụ như cô này cao ráo, trắng trẻo, xinh gái, ăn nói dễ chịu,… Chứ không tự nhiên mà cấp trên biết được ai như thế nào để mà điều”, cô nói
Theo cô, bất kể trường hợp nào thì cũng phải được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường rồi mới đưa công văn xuống. Và khi mà các sếp đã duyệt thì các giáo viên khó “chống” lại được. Do đó, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo tỉnh và các trường.
“Nếu tham gia đi tiếp khách theo điều động, lỗi cũng không ở giáo viên. Bởi khi nhận điều động, giáo viên chỉ nghỉ là tiếp khách lịch sự thông thường mà chưa biết được có vấn đề gì xảy ra. Theo lệ cấp dưới phải chấp hành cấp trên. Nếu có lỗi thì chỉ là giáo viên để cho những người khách làm việc những việc không đúng mà không lên tiếng”.
Theo cô Minh, các giáo viên khó dám từ chối, bởi sợ sẽ bị lãnh đạo trường và cấp cao hơn nữa quy vào tội không chấp hành, thậm chí là bị trù dập vì không làm vừa lòng các sếp.
Đồng quan điểm, cô giáo Hồ Thị Tr. (Nghệ An) cho rằng, khi bị điều thì giáo viên vào thế chắc chắn phải đi nhưng hẳn cũng chẳng lấy làm vui.
“Đã gửi công văn về thì giáo viên sao dám chống lại. Giả sử như chúng tôi đây, nếu trên có công văn luân chuyển, yêu cầu này nọ dù không muốn thì vẫn phải tuân thủ. Có thể ý kiến nhưng cũng không dám chống lại điều động. Bởi không đi thì sợ bị trù, rồi sợ trên có sắp xếp cho làm việc nữa không, hoặc sắp xếp cho một công việc không thuận lợi”, cô Tr nói.
Đứng ở vị trí trung gian, một vị hiệu trưởng ở Hải Phòng chia sẻ bản thân quá ngỡ ngàng trước việc làm của chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh khi điều giáo viên làm một việc đi quá xa so với chuyên môn. Vị này cho rằng, dù điều giáo viên đi tiếp khách ở mức độ nào đi chăng nữa cũng không nên có.
“Trường hợp cấp trên gửi công văn về trường tôi điều giáo viên như vậy thì quả thật cũng sẽ rất khó xử trong việc thực hiện hay không. Trong cuộc sống đôi khi cá nhân có nhờ đến nhau giúp đỡ là chuyện bình thường nhưng đó là về mặt cá nhân, tình cảm. Còn trong công việc có tính chất chính thống thì hơi buồn cười và thật khó xử”.
Vị này cũng cho rằng, trường hợp này, các giáo viên cũng cần chủ động có ý kiến thẳng thắn, chân thành với lãnh đạo nếu được điều động không đúng chuyên môn.
Thanh Hùng
*****
Xem thêm: