Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định, then chốt, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, địa phương. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang trở thành nhiệm vụ cấp bách.
Với sự ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cho thấy, đường lối, chủ trương về phát triển nguồn nhân lực thời gian tới đáp ứng yêu cầu, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… Việc xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Lào Cai là địa bàn sinh sống của nhiều cộng đồng DTTS và là vùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước. Nguồn nhân lực DTTS là nhân tố trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con.
Lào Cai hiện có trên 60% dân số là người DTTS, thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực DTTS. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì tỉnh cũng ban hành nhiều đề án, chính sách cụ thể, cơ chế đặc thù phù hợp với thực tiễn giáo dục vùng cao, vùng sâu, vùng xa…
Đối với việc triển khai chính sách phát triển đội ngũ cán bộ DTTS, tỷ lệ người DTTS tham gia vào bộ máy nhà nước tăng hằng năm. Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Lào Cai đã có gần 1.400 lượt lượt cán bộ DTTS được bổ nhiệm và bổ nhiệm lại. Trong tuyến dụng công chức, viên chức hằng năm tỉnh luôn giành một tỷ lệ nhất định để tuyển dụng đội ngũ cán bộ DTTS…
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại nhất định: Chưa có đề án hoặc kế hoạch riêng về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức DTTS; tỷ lệ cán bộ, công chức trên tỷ lệ dân số chưa cân đối…
Bởi vậy, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định phê duyệt cử tuyển 22 học sinh là con em đồng bào các dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa đã tốt nghiệp phổ thông trung học đi học đại học, nhằm tạo nguồn cán bộ, công chức ở địa bàn sâu, vùng xa, biên giới ở địa phương.
Theo đó, 22 học sinh sẽ học đại học gồm 5 ngành đào tạo thuộc trường thành viên và Trường Đại học Ngoại ngữ của Đại học Thái Nguyên.
Cụ thể, ngành y khoa có 14 học sinh, ngành sư phạm tiếng Trung Quốc có 3 học sinh, ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có 3 học sinh, ngành du lịch có 1 học sinh, ngành công nghệ thông tin có 1 học sinh.
Học sinh được cử đi học đại học theo chế độ cử tuyển được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của nhà nước, có trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật, nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục kể từ ngày nhập học, chấp hành nghiêm nội dung cam kết trước khi đi học đại học.
Trong tổng số 22 học sinh được phê duyệt cử tuyển đại học có 10 học sinh người dân tộc H’Mông, 4 học sinh dân tộc Tày, 3 học sinh dân tộc Dao, 2 học sinh dân tộc Nùng, 2 học sinh dân tộc Hà Nhì, 1 học sinh dân tộc Dáy.
Tất cả đều có hộ khẩu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc biệt của tỉnh Lào Cai và có học lực loại khá, giỏi, phẩm chất đạo đức tốt.
Diệu Bình, Quốc Tiến, Lê Thúy, Văn Điệp, Mai Hương