Mô hình “Thôn thông minh” triển khai chưa lâu song đã góp phần không nhỏ làm đổi thay nhiều mặt đời sống của người dân Đông Căm (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai). 

Ông Phạm Văn Biên, Trưởng thôn Đông Căm, cho biết: Đông Căm được chọn thí điểm xây dựng mô hình “Thôn thông minh” bởi vì nhân dân trong thôn có tinh thần đoàn kết rất cao, cùng với đó, điều kiện hạ tầng công nghệ số đáp ứng những yêu cầu cơ bản của chuyển đổi số. Cả thôn có 170 hộ với 687 nhân khẩu, 100% các hộ đều có điện thoại thông minh. Trong thôn có một chợ dân sinh, thuận tiện cho việc hướng dẫn bà con thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng mô hình “Chợ 4.0”. 

“Tới nay, 100% hộ dân ở Đông Căm đều đã tham gia nhóm Zalo của thôn, nên các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước được chuyển tải đến người dân rất kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả. Cũng nhờ thế, công việc trưởng thôn của tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Ngày trước, mỗi khi xã có thông báo mới, tôi phải lên tận Ủy ban nhân dân xã để lấy hoặc chờ văn thư đưa về, sau đó lại mất không ít thời gian, công sức để phổ biến cho bà con. Bây giờ chỉ cần đưa thông báo của xã lên nhóm Zalo là bà con có thể nắm bắt được ngay”, ông Biên vui vẻ kể.

z5594717606494_5e27bcc4c7a656550e888ebb2c346b5f.jpg
Trưởng thôn Đông Căm và các thành viên Tổ công nghệ số cộng động hướng dẫn người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Trưởng thôn Đông Căm đánh giá rất cao vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trên hành trình xây dựng “Thôn thông minh”. Các thành viên trong tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là hướng dẫn các hộ kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử, sử dụng nền tảng số để quảng bá sản phẩm... 

Sau khoảng nửa năm triển khai thí điểm “Thôn thông minh”, giờ đây, tại Đông Căm, 100% hộ kinh doanh đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; trên 30% người dân đã hoàn thành đăng ký chứng thực điện tử… Tuy nhiên, hành trình xây dựng “Thôn thông minh” tại Đông Căm vẫn còn không ít khó khăn. Đáng chú ý, trình độ dân trí của bà con không đồng đều, trong đó có nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số, việc hướng dẫn bà con thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến mất rất nhiều thời gian, công sức.

Với sự hỗ trợ “cầm tay chỉ việc” của cán bộ thôn và tổ công nghệ số cộng đồng, dần dần, bà con hiểu rõ hơn lợi ích thiết thực của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số. Đơn cử như không phải lên tận Ủy ban nhân dân xã mà có thể làm hồ sơ thủ tục hành chính ngay tại thôn. Từ đầu năm 2024 tới nay, cả thôn đã có 88 hồ sơ thuộc 11 thủ tục hành chính của 3 lĩnh vực (Tư pháp – Công an – Lao động, thương binh và xã hội) được thực hiện qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

“Thôn Đông Căm phấn đấu thời gian tới, 100% người dân trong thôn có tài khoản trên cổng dịch vụ công trực tuyến”, Trưởng thôn Phạm Văn Biên nhấn mạnh. Theo ông Phạm Minh Bắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Phú, mô hình “Thôn thông minh” tại Đông Căm đã đi vào hoạt động ổn định, giúp thôn ngày càng phát triển, góp phần thay đổi cuộc sống của người dân địa phương. 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình “Thôn thông minh” tại 13 thôn còn lại của xã Gia Phú, để tới năm 2025, Gia Phú hoàn thành các chỉ tiêu của mô hình điểm “Xã thông minh”. Kỳ vọng của chúng tôi là thông qua các mô hình điểm “Thôn thông minh", “Xã thông minh”, bà con nhân dân sẽ biết cách ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, gia tăng thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững”, Chủ tịch Phạm Minh Bắc chia sẻ thêm.

Bài và ảnh: Nguyễn Hạnh