Từ đầu năm ngoái, tỉnh Lào Cai thống nhất chủ trương lồng ghép nội dung chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vào Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025 nhằm từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

UBND tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đối với 3 nội dung gồm: Phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số. Nhiều mục tiêu tại Quyết định trên của UBND tỉnh Lào Cai đảm bảo đáp ứng các mục tiêu nêu tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ là triển khai một cách chủ động, linh hoạt 3 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Theo đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành, đơn vị liên quan, hằng năm căn cứ vào Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1634/QĐ-UBND ngày 17/5/2021, tham mưu cho Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đảm bảo thực hiện hiệu quả các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022.

Nhờ có bước đi này, Lào Cai đã  trở thành 1 trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng phần mềm truy xuất nông sản từ năm 2017, đến nay tại các vùng nông thôn Lào Cai đã có 327 dòng nông sản an toàn được cấp mã QR Code. Hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có trên 183 doanh nghiệp/HTX/cơ sở sản xuất.

W-congnghecao.png

Người tiêu dùng toàn quốc có thể đặt hàng nông sản của Lào Cai trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Lazada,Tiki, Sendo…

Trong đó có nhiều cơ sở của đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm trên hệ thống với 311 dòng sản phẩm tham gia, nhất là các loại nông sản thế mạnh và đặc sản của 124 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống thông tin quản lý chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh đảm bảo các chức năng hỗ trợ trong công tác quản lý, hỗ trợ người sản xuất, cung cấp sản phẩm và hỗ trợ người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, người tiêu dùng toàn quốc có thể đặt hàng nông sản của Lào Cai trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Lazada,Tiki, Sendo…

Lào Cai cũng đã giới thiệu 75 cơ sở sản xuất nông sản đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn, Voso… và qua trang tin điện tử “Phiên chợ Khuyến nông”; các trang mạng xã hội zalo, facebook... nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ chăm sóc khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, giúp các hộ tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục đầu tư hạ tầng viễn thông, CNTT. Đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng. Tăng cường áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến liên thông, đồng bộ cấp tỉnh, huyện, xã; nâng cao dịch vụ phục vụ Nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần ở cấp xã.