Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có có 17 nghề truyền thống, 10 làng nghề, 20 làng nghề truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh có 163 sản phẩm thuộc 81 chủ đề trên địa bàn 60 xã, phường, thị trấn được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 26 sản phẩm 4 sao, 144 sản phẩm 3 sao, cụ thể: thị xã Sa Pa có 37 sản phẩm, thành phố Lào Cai có 08 sản phẩm, huyện Bát Xát 12 sản phẩm, huyện Mường Khương 14 sản phẩm, huyện Bắc Hà 12 sản phẩm, huyện Bảo Thắng 30 sản phẩm, huyện Bảo Yên 25 sản phẩm, huyện Văn Bàn 21 sản phẩm và huyện Si Ma Cai 04 sản phẩm.

Các sản phẩm được hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử như: laocaitrade.vn; xttmnongnghiep.laocai.gov.vn; lazada, shopee, voso, postmart.vn.

Năm 2023, tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện 06 nội dung gồm: Triển khai Chu trình OCOP thường niên; Đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ phát triển sản phẩm; Hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế; trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP để đạt được 10 mục tiêu đề ra.

Tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 30 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các huyện, thị xã, thành phố được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.

Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Lào Cai phát triển ngành nghề nông thôn trong các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm, tạo động lực để các cơ sở sản xuất phát triển về quy mô và chất lượng; tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công để hỗ trợ đầu tư các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn.

Đồng thời rà soát quy hoạch ngành nghề nông thôn, xây dựng các dự án thành phần, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng các đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm và là lợi thế của tỉnh; xây dựng Chương trình bảo tồn làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ các làng nghề sau công nhận và chính sách hỗ trợ phát triển các nghề mới; tiếp tục rà soát và lập hồ sơ công nhận danh hiệu các nghề và làng nghề. Quy hoạch, thành lập các cụm công nghiệp làng nghề để thu hút, bố trí các cơ sở vào sản xuất tập trung.

Duy Linh và nhóm PV, BTV