Kế hoạch số 104/KH-BCĐ của UBND tỉnh Lào Cai về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đặt mục tiêu phấn đấu năm 2024 - 2025 có thêm 22 xã được công nhận; lũy kế đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 84/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Hiện thực hóa mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới, sáng tạo trong phương thức thực hiện. Đồng thời, ưu tiên lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến năm 2023, bình quân mỗi xã của tỉnh Lào Cai đạt 12,02 tiêu chí nông thôn mới, tăng 1,46 tiêu chí/xã so với kết quả rà soát hiện trạng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025 tại thời điểm tháng 6/2023. 

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt 39,82 triệu đồng/người/năm, tăng 6,38 triệu đồng/người so với năm 2022. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm bình quân 4,43%/năm đã góp phần thay đối đời sống của người dân khu vực nông thôn. 

Lào Cai 2024
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2024, tỉnh Lào Cai phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã nông thôn mới nâng cao, thêm 48 thôn nông thôn mới và 36 thôn kiểu mẫu. Bình quân mỗi xã đạt trên 13 tiêu chí, toàn tỉnh không còn xã dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt khoảng 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm khoảng 5%.

Để đạt mục tiêu đặt ra, Lào Cai đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tỉnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Chương trình OCOP theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu. 

Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là sơ chế, bảo quản, chế biến sâu và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực; nâng cao chất lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Cùng với đó, huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi); nguồn ngân sách địa phương và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn… để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, viễn thông, giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa...