Gần 10 ngày, kể từ khi nước lũ tràn qua đê sông Bùi, hàng nghìn hộ dân ở các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) sống trong cảnh nhà ngập, đường ngập. Nước lũ dâng cao, người chật vật di tản, người cố bám trụ để giữ nhà thì sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước, ăn mỳ tôm qua ngày.

ngập 1.jpg
Người dân thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến sống trong cảnh ngập lụt nhiều ngày qua.

Khóc ròng vì mất trắng đàn vịt, ao cá chỉ sau một đêm

Những ngày qua, chị Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1971, trú ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) phải tìm cách băng qua những con đường ngập lụt, sang thôn khác cắt cỏ về cho bò ăn. Chị ngồi nhờ chiếc xe kéo tự chế do đội xung kích của thôn lái băng qua cung đường ngập sâu, rồi đến đầu ngõ phải tự lội qua đoạn đường ngập đến lưng ống chân để ôm đống cỏ về nhà.

Chị bảo: “Ngập lụt thế này, người khổ, vật nuôi cũng khổ. Vất vả mấy cũng phải cố kiếm thức ăn cho chúng”.

Chị Phượng là mẹ đơn thân sống ở xóm Trong, thôn Nam Hài. Chồng chị mất nhiều năm trước, con trai chị vừa bước sang tuổi 14. Mẹ con chị vốn sống trong căn nhà tạm ở ngoài đồng, mưu sinh bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi. 

ngap 2 3043.jpg
Chị Phượng mếu máo kể về thiệt hại của gia đình do ngập lụt.

10 ngày qua, kể từ khi nước lũ dâng cao, chị phải đưa con về sống nhờ nhà mẹ chồng. 

Nói về những thiệt hại do ngập lụt, chị Phượng trào nước mắt: “Hôm ấy nước dâng cao bất ngờ, nhà tôi ngập tới nóc. Tôi mất trắng ao cá chỉ sau một đêm, đàn vịt cũng tan tác, không kịp sơ tán con nào”.

Chị Phượng chỉ kịp nhờ anh em trong thôn đem công nông đến chở giúp một con bò và một con lợn nái sắp đẻ về căn nhà bỏ trống ở xóm Trong. 

“Sốc vác về đến nơi, con lợn nái của tôi cũng đẻ non, chết mất 3 con lợn con. Tôi xót của mà bất lực”, chị Phượng khóc kể lại.

Cách đây không lâu, chị Phượng được cháu gái tặng cho chiếc điều hòa cũ, lắp ở phòng ngủ trong căn nhà tạm. Nước dâng cao gần đến nóc nhà, chiếc điều hòa cũng hỏng hoàn toàn.

ngập 3.jpg
Chị Phượng chỉ kịp sơ tán bò và lợn về căn nhà bỏ trống. 

Con trai chị Phượng thấy mẹ trầm ngâm, hỏi: “Sao mẹ suy tư mãi vậy?”. Chị Phượng ôm con khóc: “Nhà ta mất hết rồi, còn gì nữa đâu con”.

Chị ước tính, trận ngập lụt lần này, nhà chị thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

ngập 4.jpg
Ông Hai Dũng suy tư sống trong căn nhà ngập nặng.

Ông Hai Dũng (sinh năm 1960, trú ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) là một trong số ít người dân ở vùng ngập sâu cố bám trụ lại nhà. 

Vợ ông Dũng đã mất nhiều năm. Ông hiện sống cùng vợ chồng con trai cả và 3 người cháu trong khu đất rộng rãi.

Nước sông Bùi tràn về, nhà ông ngập nặng. Ông Dũng kể, nhiều ngày trước, nước ngập đến trước cửa nhà ông, ngang ngực một người trưởng thành.

Con trai, con dâu và 3 người cháu của ông Dũng di tản đến nhà người quen, một mình ông bám trụ lại nhà. Căn nhà nhỏ chất đầy bao tải thóc, đồ gia dụng, chỉ chừa lại một lối đi.

ngập 5.jpg
Ông cố bám trụ lại căn nhà ngập để trông coi thóc. 

Ông khéo léo kê vài tấm gỗ cao làm chỗ ở cho chó và gà. Trong nhà, ông cũng phải kê một tấm gỗ dài từ giường đến bậu cửa làm đường đi lại. Những ngày qua, ông chỉ loanh quanh ở hai địa điểm là trên giường và trên chiếc bàn kê sát cửa.

“Nay nước đã rút bớt rồi mà vẫn ngập lưng nhà vệ sinh. Những lúc cần đi vệ sinh, tôi phải sang hàng xóm nhờ. Chỉ có mình tôi ở nhà nên ăn uống đơn giản, có mỳ tôm cứu trợ của xã, ngày 3 lần pha mỳ tôm ăn là xong”, ông Dũng chia sẻ.

Thời điểm ngập sâu, thôn cắt điện để đảm bảo an toàn cho người dân, ông Dũng phải thắp nến, bật đèn pin. Trời oi bức lại thiếu điện, cuộc sống của ông bất tiện đủ đường.

ngập 6.jpg
Ông Dũng sắp xếp nơi ở tạm cho chó và đàn gà

Sau này, ông phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm với an toàn của bản thân để được thôn cấp điện.

“Khổ thì có khổ nhưng gia đình tôi được chính quyền xã giúp đỡ nhiều. Hôm nước mới dâng, bộ đội kịp thời đến nhà tôi giúp cất đồ đạc nên không thiệt hại nhiều”, ông Dũng lạc quan chia sẻ.

14 người sống chung trong căn nhà nhỏ

Nhà chị Trương Thị Cúc (sinh năm 1994) là một trong số ít hộ dân ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến không bị ngập sâu. Thế nên, suốt những ngày qua, căn nhà nhỏ của chị là điểm trú chân của 14 người.

“Nhà anh trai chồng tôi ngập gần đến nóc nhà nên vợ chồng, con cái tổng cộng 8 người phải di tản sang nhà tôi. Nhà tôi có ông bà, vợ chồng tôi và 2 đứa con nữa là 6 người. Tròn 14 người cùng chung sống ở nhà tôi những ngày qua”, chị Cúc chia sẻ.

ngập 7.jpg
Một vài gia đình bị ngập hết lối ra vào.

14 người sinh hoạt trong căn nhà nhỏ có nhiều tình huống bi hài. Chị Cúc kể, một tuần qua, mỗi bữa cơm nhà chị phải chia làm hai ca vì đông người. Nhà chị chỉ có một nhà tắm, một nhà vệ sinh nên mỗi khi có nhu cầu, mọi người phải chờ đợi nhau khá lâu. 

Mỗi sáng, chị Cúc phải đi nhờ xe kéo của đội xung kích thôn ra chợ mua đồ ăn. Bên cạnh đó, chị nhờ các anh chị sống ở thôn khác gửi đồ ăn đến để đảm bảo bữa ăn cho đại gia đình.

“Nhà có thêm 8 người đến ở thì dĩ nhiên sẽ chật chội hơn, sinh hoạt bất tiện hơn chút, ví dụ như khi ngủ sẽ phải trải chiếu ngủ khắp mấy gian nhà, thậm chí ngủ dưới nhà ngang. Thế nhưng, lúc này không giúp đỡ nhau thì lúc nào? Tôi thấy chuyện đó rất bình thường”, chị Cúc chia sẻ.

May mắn không bị cắt điện nên nhiều ngày qua, nhà chị Cúc luôn có người đến sạc nhờ pin điện thoại, đèn pin. Nghĩ cảnh họ phải thắp nến, bật đèn pin vào buổi tối oi bức, chị thấy thương cảm.

ngập 8.jpg
Chị Chắt kể về cuộc sống sinh hoạt của gia đình 11 người trong những ngày qua

Căn nhà cấp 4 hai gian của chị Nguyễn Thị Chắt (sinh năm 1975, thôn Nam Hài) cũng đang là nơi ở của 11 người, gồm 5 thành viên nhà chị, 4 thành viên gia đình em trai chồng và 2 thành viên nhà chị dâu.

Từ ngày 24/7 đến nay, 11 thành viên trong gia đình chị “liệu cơm gắp mắm”, có gì ăn nấy. Chị kể, 2 ngày trước đây, chị được thôn trợ cấp mỳ tôm, nước mắm, bột canh và 1kg thịt lợn. Cùng với cá chồng chị đi bắt được vào ban đêm, bữa ăn của các thành viên cũng được cải thiện.

“Trong lúc khó khăn, chẳng ai đòi hỏi cao. Gạo thì nhà tôi có sẵn, rau thì được chị em ngoài kia gửi vào, thức ăn thì có gì ăn nấy. Anh chị em đoàn kết, vui vẻ với nhau”, chị Chắt lạc quan kể.

Mỗi bữa ăn, nhà chị phải trải 2 chiếc chiếu ra giữa sân. Khi ngủ, trẻ con được ưu tiên ngủ trên giường, người lớn trải chiếu nằm dưới đất. Cảnh oi bức, ngột ngạt là không tránh khỏi nhưng các thành viên trong gia đình chị không hề than vãn.

“Mấy nay nước rút bớt, ăn uống xong là mọi người về nhà dọn dẹp, thu xếp nhà cửa, đến tối mới sang nhà tôi ngủ nhờ”, chị Chắt chia sẻ. 

Ảnh: Thanh Minh, Tú Linh