Công nghệ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) xác định là 1 trong 2 trụ cột quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong kế hoạch chuyển đổi số, Bộ NN&PTNT đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Trong đó 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng. Trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Hồng Quốc Cường, Giám đốc kỹ thuật Công ty Rynan Technologies, đơn vị phát triển hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam VDAPES, chuyển đổi số trong nông nghiệp gồm 3 bước: Số hoá dữ liệu tức là chuyển đổi từ văn bản, âm thanh sang dạng kỹ thuật số; số hoá quy trình là tích hợp các thiết bị IoT vào quá trình hoạt động để thu thập dữ liệu tự động. Thứ 3 là quản lý số với các công cụ số. “Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp chúng ta tạo giá trị mới, giảm giá thành sản xuất, giảm tác động của môi trường, tăng chất lượng nông sản, tăng sự hài lòng của người tiêu dùng”, ông Cường nói.
Với dịch vụ điện toán đám mây nông nghiệp số, công ty ứng dụng công nghệ vệ tinh giám sát từ các tổ chức châu Âu để có thể ứng dụng công nghệ viễn thông vào quản lý nông nghiệp thông minh và nông nghiệp chính xác. Đồng thời, kết hợp mạng lưới thiết bị IoT để tối ưu hoá quy trình, mang lại độ chính xác cao trong nông nghiệp. Hiện đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây cộng đồng, đám mây doanh nghiệp và đám mây kết hợp.
Hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số Việt Nam của Rynan Technologies cung cấp hạ tầng từ các thiết bị IT, thiết bị IoT theo mô hình cho thuê hay bán các thiết bị.
Tầng thứ 2 là cung cấp các nền tảng để truy xuất các sản phẩm trong nông nghiệpTraceme.VN; nền tảng canh tác tôm siêu thâm canh Tomgoxy hay nền tảng cung cấp dữ liệu quan trắc chất lượng nước và sâu rầy thông minh Rynan Mekong cho phép bà con sử dụng miễn phí.
Ngoài ra, ông Cường cho biết, công ty cũng hướng đến đối tượng khách hàng là nhà nước, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu để thực hiện các dự án trong nông nghiệp.
Với hệ sinh thái đa dạng trên, doanh nghiệp giới thiệu một số sản phẩm nổi bật trong canh tác nông nghiệp. Đơn cử, ứng dụng di động Rynan Mekong với các phao và trạm quan trắc xâm nhập mặn, giám sát lũ thông minh (hiện được áp dụng tại Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Đồng Tháp...). Bên cạnh đó là các trạm giám sát sâu rầy thông minh được áp dụng tại Nghệ An, Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng.... "Công ty hiện đang có 55 trạm giám sát sâu rầy thông minh và đang triển khai 4 trạm thử nghiệm tiến tới triển khai 100 trạm tại Nhật Bản vào năm tới", ông Cường cho hay.
Thay vì sử dụng theo cách truyền thống, hệ thống giám sát sâu rầy thông minh áp dụng công nghệ xử lý AI tại chỗ trên nền tảng IoT tích hợp để có thể nhận diện được hơn 80 loại sâu hại và gửi thông tin cảnh báo cho người dân qua ứng dụng di động.
Các trạm giám sát sâu rầy thông minh cũng giúp cho nông dân theo dõi được các chỉ số khác như: Hướng gió, nhiệt độ, độ ẩm để có thể nhận biết được mật độ sâu rầy, tình hình thời tiết, từ đó chủ động xử lý trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng lúa, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.
“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng được bản đồ sâu hại và thiên địch học cho Việt Nam để có thể giúp các cơ quan quản lý có thể đưa ra các cảnh báo để người dân có thể ứng dụng các công nghệ phun đúng thời điểm, đúng liều lượng, mang lại hiệu quả cao trong nông nghiệp thông minh trong thời gian tới", ông Cường nói.